Du lịch Đà Nẵng

Ngược dòng Cu Đê

13:49, 10/02/2014 (GMT+7)

“Năm 2014, chúng tôi sẽ tập trung phát triển du lịch lên thượng nguồn sông Cu Đê”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Bá Đức cho biết. Từng công tác nhiều ngày tại xã Hòa Bắc, từng ước được một lần ngồi trên thuyền, ngược dòng Cu Đê thăm Hầm Vàng, Đá Bà, Núi Cấm…, nên nghe câu nói của cán bộ lãnh đạo quận, tôi liên tưởng đây như lời mời gọi.

Thượng nguồn sông Cu Đê. Ảnh: Thanh Quỳnh
Thượng nguồn sông Cu Đê. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sông Cu Đê xuôi về Đà Nẵng qua điểm đầu Hòa Bắc - nơi có hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của đồng bào Cơtu ghi dấu biết bao chiến công của một thời kháng chiến. Sông không cuồn cuộn chảy về xuôi như nhiều dòng sông lớn mà lặng lẽ uốn mình dưới các sườn núi, ven làng để ra biển. Vì thế, trước khi qua cửa Nam Ô hòa mình vào biển lớn, dòng Cu Đê còn có tên Thủy Tú - tên một ngôi làng gắn liền với danh xưng “cái nôi cách mạng” của miền Trung Trung Bộ ở phía tây bắc thành phố Đà Nẵng.

Đến Liên Chiểu tìm hiểu về dự thảo Đề án Phát triển dịch vụ du lịch sông Cu Đê, tôi được ông Phạm Hồng Quang - Phó phòng Văn hóa - Thông tin quận cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức khảo sát nhiều lần, nếu được sự đồng ý của thành phố thì sẽ tổ chức kêu gọi xã hội hóa, vận động mọi thành phần doanh nghiệp, ngư dân cùng tham gia đầu tư”. Cũng theo ông Quang, đây là một dạng “đề án mở”, nhằm cung cấp cho du khách những tour du lịch hấp dẫn khi đến Đà Nẵng nói chung và Liên Chiểu nói riêng.

Cây đa và đình làng Thủy Tú. Ảnh: Sỹ Long
Cây đa và đình làng Thủy Tú. Ảnh: Sỹ Long

Sông Cu Đê dài 38km, tính từ Thủy Tú đến Trường Định, trong đó đoạn qua Liên Chiểu được ghi dấu ấn bởi những địa danh như: Đá Bà, Núi Cấm, Cồn Đình, Cồn Dâu, Hầm Vàng, miếu bà Chúa Ngọc, đình Xuân Dương… Ngược nguồn Cu Đê nghĩa là về với một vùng nguyên sơ, chứa nhiều ẩn số với du khách phương xa. Bởi nhắc đến Đà Nẵng, người ta thường nhớ đến Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, chùa Linh Ứng… và những cây cầu vắt qua dòng sông Hàn thơ mộng, vì nơi đó họ từng đi, từng đến… Nhưng muốn quan sát, tìm hiểu về làng nghề nước mắm Nam Ô, hay tắm mình trong không gian huyền thoại của miếu thờ bà Chúa Ngọc được hình thành trên gò đất bồi giữa dòng sông Cu Đê cách nay hơn 400 năm, hoặc thăm làng đồng bào Cơtu bằng đường thủy... thì hầu như các dịch vụ vẫn còn tự phát, mạnh ai nấy đi. Nói theo cách của ông Phạm Hồng Quang, người có thâm niên trong ngành “công nghiệp không khói” là “chưa có sản phẩm văn hóa du lịch” của vùng đất này.

Ông Quang cũng nhìn nhận: “Với nguồn tài nguyên du lịch về thiên nhiên và nhân văn rất phong phú, đa dạng như vậy, có thể thấy loại hình du lịch đường sông là loại hình du lịch có tiềm năng phát triển lớn ở quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư, quy hoạch phát triển đối với loại hình du lịch này”.

Nhớ hồi đầu năm ngoái, tôi có người bạn đăng ký đi nghỉ tại Đà Nẵng đã nhận xét: Vào thành phố được lên núi, ra biển, xuôi sông Hàn ngắm đã là điều kỳ thú, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Ngẫm lại, quả thật du lịch đường sông vẫn còn là khoảng trống, bởi ngoài các hành trình trên sông Hàn, sông Cẩm Lệ thì ngược xuôi dòng Cu Đê vẫn chưa hề phát tuyến. Cũng chính bởi sự “chưa hề” đó nên du khách chưa được lênh đênh trên thuyền tận hưởng những cảm giác nguyên sơ của vùng rừng núi yên bình, thăm dấu tích cổ xưa của đình làng Thủy Tú, Lăng Ông, giếng cổ, mộ cổ, phế tích tháp Xuân Dương… và thưởng thức những đặc sản nơi đây như: gỏi cá Nam Ô, cháo cá đối Cu Đê…

Núi Đá Bà ở quận Liên Chiểu. Ảnh: Sỹ Long
Núi Đá Bà ở quận Liên Chiểu. Ảnh: Sỹ Long

Đà Nẵng được biết đến với cảnh núi, cảnh biển đẹp cùng những cư dân thân thiện, mến khách. Một mai, khi đề án phát triển du lịch sông Cu Đê được đầu tư, khai thác, du khách đến thành phố này sẽ có thêm một “lộ trình tổng hợp” gồm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thăm di tích lịch sử. Còn đối với người dân các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, có thể coi đây là cơ hội để thoát nghèo. Tuy nhiên, thực tế không phải nói “phát triển du lịch” là làm được ngay. Bởi theo lý giải của ông Phạm Hồng Quang, để tuyến sông Cu Đê có thể trở thành “sản phẩm du lịch” thì các hạng mục cần được đầu tư xây dựng như: bến thuyền, cầu tàu, bãi đậu xe, cụm dịch vụ, nhà vệ sinh công cộng, bảng giới thiệu các địa danh, nhà hàng…; đồng thời khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống: đua thuyền, cầu ngư, thả đèn hoa đăng, lễ hội đình làng Xuân Dương…

Bên cạnh đó, phải tạo sự liên kết chặt chẽ với khu du lịch Xuân Thiều, Hải Vân Quan, khu du lịch sinh thái Thọ Yên - Hòa Bắc, để khi đến Đà Nẵng, du khách sẽ không vướng bận việc dừng chân chuyển tour mà có thể đi liền một mạch từ “núi xuống biển, từ biển lên sông”. Và dĩ nhiên song hành với sự đầu tư về cơ sở vật chất là sự đầu tư về con người. “Chúng tôi khuyến khích đào tạo các hộ dân thuộc làng chài Thủy Tú - Nam Ô, chuyển đổi công năng của thuyền đánh cá, chở lâm thổ sản sang tham gia dịch vụ du lịch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ để trang bị cho họ những kiến thức cơ bản, quy định bảo đảm an toàn khi chở người trên sông nước”, ông Phạm Hồng Quang thông tin thêm.

Được biết, trong những năm tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch. Tin rằng một ngày không xa khi đến “thành phố đáng sống” này, du khách sẽ được theo chân các ngư dân vùng sông nước, tạm gác những ồn ào nơi đô thị để đắm mình trong một không gian thanh bình có cây đa, bến nước, sân đình gắn với cụm di tích văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Ô nơi địa đầu thành phố.

NGUYỄN SỸ LONG

.