.

Đà Nẵng níu kéo bạn bằng những điều giản dị nhất

.

Ở đây, ai cũng tìm cho mình được một góc riêng, để cái tôi được thăng hoa, không vướng bận. Đà Nẵng níu kéo tôi giản dị như vậy đấy, để năm nào vào mùa thu, tôi cũng book một vé và lang thang...

Tô mì Quảng giản dị
Ở đây, ai cũng tìm cho mình được một góc riêng, để cái tôi được thăng hoa, không vướng bận

Đà Nẵng - điểm đến “lịch sự, văn minh”

Nhà nhà đổ đi du lịch, người người nhảy đi du lịch, ừ thì mùa thu về gió se lạnh, mùi hương từ đất trời như ngan ngát khắp nơi, đi ra khỏi nhà để hưởng thụ cũng là cái đáng làm trong cuộc đời.

Đa phần ai cũng chọn Hà Nội, dân Nam, dân Trung, dân nước ngoài đều chọn Hà Nội vì mùa thu ở Hà Nội khó có thể cưỡng lại được và có sự khác biệt vô cùng. Đó là những con đường hoa sữa, hương cốm thơm nồng, hay lượn lờ qua hồ Gươm, hồ Tây, lá vàng rơi ở đường Hoàng Diệu và khí trời, khí trời như thức tỉnh trái tim cằn cỗi nhất...

Nhưng có một nơi mùa thu cũng có nhiều nét đặc trưng không kém, đó là Đà Nẵng. Mà ở Đà Nẵng thì có một lời khuyên chân thành cho các bạn đam mê du lịch đó là nên khoác trên vai chiếc balo, cầm theo cuốn sách, đôi giày chắc và lang thang cảm nhận…

Đà Nẵng nhỏ, đi một vòng là hết veo. Nhưng hồn Đà Nẵng chắc không thể một ngày, hai ngày mà hết veo được. Vì cái hồn Đà Nẵng không nằm ở cây cầu sông Hàn, cũng không phải ở cáp treo Bà Nà, mà nó nằm ở cách ứng xử của con người nơi đây. Từ chú cảnh sát giao thông nhẹ nhàng vẫy bạn lại khi bạn đi nhầm làn đường, chỉ cho bạn cách đi đúng và chỉ cho bạn nơi cần đến; cho đến các chú xe ôm luôn mỉm cười cảm ơn khi bạn bước xuống xe. Từ các quán cà phê sang trọng cho tới wc ở bến xe “miễn phí và lịch sự”. Từ bát Mì Quảng cho tới li cà phê cóc ven đường… tất cả đều rất lịch sự, văn minh.

Tô mì Quảng giản dị
Tô mì Quảng giản dị

Bạn có thể lang thang qua từng ngóc ngánh, hít hà bầu trời xanh ngắt, không khí dễ chịu, ăn mì quảng, ăn bún mắm, ăn bánh xèo, ăn bánh mì, khi mỏi chân rồi thì ùa ra biển nhảy ùm cưỡi sóng mà thỏa thuê mà chẳng bao giờ sợ khói bụi, kẹt xe, cướp bóc. Ở từng con đường đi qua bạn sẽ thấy dòng chữ quen thuộc “gặp người ăn xin, bán hàng rong xin gọi số…” càng khẳng định tính nhân văn ở nơi này.

Quán cà phê cóc - nơi giữ nét văn hóa người Đà Nẵng

Và có lẽ nơi giữ hồn cho Đà Nẵng lại chính là các quán cà phê cóc ven đường. Những chiếc ghế nhựa nhỏ xinh, những chiếc bàn còn vương mùi cà phê mỗi sáng là nơi gặp gỡ của mọi tầng lớp từ giàu sang, tới nghèo hèn, từ ông nọ bà kia cho tới anh lái xe thồ, từ quần áo lượt là cho tới quần đùi áo may ô.

Quán cà phê không phân biệt đẳng cấp, cũng như không có những cái nhìn xét nét, như ở bất cứ nơi nào khác. Sự tự do như là thước đo cho cuộc sống và để họ hòa vào nhau thoải mái dễ chịu. Ở góc đường đầu Lê Lai, có quán cà phê Phúc Lai, hay mọi người thường gọi là cà phê ông Nhã đã có từ rất lẩu rất lâu rồi.

“Chỉn e miệng thế khôn ràng buộc/ Tiếc lắm bởi người vẫn khát dai”
“Chỉn e miệng thế khôn ràng buộc/ Tiếc lắm bởi người vẫn khát dai”

Một người bạn nói vui: “ông Nhã đã chứng kiến không biết bao nhiêu bồ của chị rồi đó”. Tôi hỏi: “Quán cà phê này có ấn tượng với chị như thế nào ngoài chuyện đó ra?”. Chị cười chỉ cho tôi bốn câu thơ ở trên tấm bạt phủ ở hiên. Đọc xong tôi không hỏi gì nữa.

Dường như việc bán cà phê, không đơn thuần là bán hàng lấy tiền, kinh doanh lợi nhuận mà còn là tình yêu với cà phê, tình yêu với con người, niềm tin vào cuộc sống. Ở đây, ai cũng tìm cho mình được một góc riêng, để cái tôi được thăng hoa, không vướng bận.

Đà Nẵng níu kéo tôi giản dị như vậy đấy, để năm nào vào mùa thu, tôi cũng book một vé và lang thang.

Dương Nguyệt (thethaovietnam.vn)

;
.
.
.
.
.
.