Cùng với thị trường khách Đông Bắc Á, Tây Âu là thị trường tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng nhưng lượng khách này đến Đà Nẵng vẫn còn hạn chế.
Mức chi tiêu của khách Tây Âu khá cao, điều quan trọng là phải tăng được số ngày lưu trú của khách tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Năm 2015, Chính phủ bắt đầu miễn thị thực nhập cảnh (visa) có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu; tổng lượng khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý đến Việt Nam trong quý 1-2017 đạt hơn 240.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Tổng cục Du lịch, đây là mức tăng trưởng cao đối với thị trường xa, trong đó thị trường Tây Ban Nha tăng 23%, Ý tăng 13%, Đức tăng 13%, Pháp tăng 11%, Anh tăng 9%.
Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, thị trường khách Tây Âu có sự tăng trưởng nhẹ như lượng khách Anh đến Đà Nẵng từ 18.803 lượt (năm 2015) tăng lên 21.900 lượt (năm 2016); lượng khách Pháp từ 12.427 lượt (năm 2015) tăng lên 13.628 lượt (năm 2016); tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong lượng khách quốc tế. Đến đầu năm 2017 chỉ thị trường Anh vẫn còn trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, việc Chính phủ miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu tạo chuyển biến tích cực cho thị trường khách này. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp chính để thu hút nguồn khách Tây Âu đến Đà Nẵng.
Thành phố cần quy hoạch điểm đến theo hướng gắn các tài nguyên hiện có với văn hóa bản địa, hình thành các khu lưu trú tập trung, phân chia theo nhiều đối tượng khách; tăng cường quảng bá xúc tiến trên nhiều kênh.
“Cần có sự nghiên cứu và định hướng chính xác cho cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Sau đó là sự phối hợp nguồn lực giữa cơ quan xúc tiến du lịch địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò rất quan trọng của hàng không và sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp nước ngoài (nếu được). Ngoài ra, việc lựa chọn hình thức xúc tiến phù hợp từng thị trường cụ thể cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc xúc tiến”, ông Dũng cho hay.
Chị Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho rằng, để thu hút khách từ thị trường Tây Âu, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch thành phố; nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu, tìm hiểu rõ về thị hiếu của từng thị trường khách Tây Âu; khảo sát, nghiên cứu chi tiết và có quy mô 5 thị trường khách Tây Âu theo quốc tịch, giới tính, sở thích để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án khai thác thị trường cụ thể.
“Các doanh nghiệp, lữ hành cần chú trọng xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách Tây Âu như du lịch mạo hiểm có chất lượng tại Đà Nẵng (chèo kayak trên sông Hàn, lặn ngắm biển, khám phá bán đảo Sơn Trà bằng xe đạp, leo núi tại Ngũ Hành Sơn, tour đi bộ, cắm lều trại trong rừng hoặc ngoài bãi biển…); tiếp tục phát triển du lịch sinh thái tự nhiên nhưng không tàn phá môi trường, không làm ảnh hưởng hoặc mất đi các bản sắc và giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Muốn đón thị trường khách này, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo và nâng cao trình độ tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cho nguồn nhân lực du lịch, nhất là hướng dẫn viên…”, chị Hoài An nói.
Chị Nguyễn Thị Hoài An cho rằng, Đà Nẵng hiện vẫn chưa được khách Tây Âu biết đến. Đa số khách biết đến Huế và Hội An nhiều hơn và thường bỏ qua Đà Nẵng khi đi du lịch từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thị trường này còn hạn hẹp, mới tập trung ở việc tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) và đón các đoàn famtrip. Nguồn nhân lực du lịch biết nói nhiều ngôn ngữ bên cạnh tiếng Anh còn khá hạn chế, đặc biệt là tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý rất hiếm; các ấn phẩm du lịch và cổng thông tin, các trang mạng xã hội của du lịch Đà Nẵng cũng chưa phát triển các ngôn ngữ Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ý… |
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà đánh giá, chính sách miễn thị thực có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu rất có lợi cho phát triển du lịch. Nếu phát triển tốt nguồn khách này, tính bền vững của khai thác du lịch điểm đến sẽ tăng cao, hiệu quả khai thác dịch vụ sẽ tăng vượt bậc, vấn đề là làm sao để tăng được số ngày lưu trú của khách tại Đà Nẵng. |
Bài và ảnh: THU HÀ