Chuyện cuối tuần

Đừng làm du lịch "xấu xí"

.

Trong khi thành phố và các ngành liên quan đang tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên nhiều kênh khác nhau; nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng trong các dịch vụ du lịch để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, tạo nên hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách… thì thời gian qua, có những “con sâu” liên tục làm “rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường du lịch chung của thành phố.

Đó là câu chuyện sau khi thỏa thuận xong tiền công đánh giày, khách hàng yên tâm ngồi uống nước chờ người ta làm, đến khi nhận lại giày thì giá phải trả lên tới gấp nhiều lần giá đã thỏa thuận với lý do người đánh giày tự ý làm thêm nhiều thứ khác ngoài đánh giày như bỏ thêm lót, dán keo, dán đế su… khiến khách hàng bực mình vì bị “chặt chém”. Rồi chuyện một gia đình đi du lịch vào một nhà hàng ăn trưa và bị tính giá cao hơn so với thực tế. Và mới đây nhất là một tài xế của một hãng taxi sau khi đón khách từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng về đường An Thượng 26 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã lấy của khách 700.000 đồng (thay vì 50.000 đồng như trên đồng hồ tính tiền) cho quãng đường dài gần 6km…

Những câu chuyện trên sau đó đều được khách du lịch đưa lên các mạng xã hội với lượt chia sẻ lên tới chóng mặt. Người ta truyền tay nhau, người ta bàn luận về môi trường du lịch, điểm đến của Đà Nẵng… Dù ngay sau đó các cơ quan chức năng đều đã vào cuộc, nhà hàng kinh doanh vi phạm thì bị xử phạt, tài xế vi phạm thì phải trả lại tiền cho khách, bị cho nghỉ việc... Nhưng khi những việc làm “xấu xí” đang lan truyền chóng mặt kia liệu có bao nhiêu người quan tâm và biết đến những vấn đề được giải quyết sau đó hay người ta chỉ thấy những điều chưa đẹp đang được phản ánh kia?

Thời gian qua, thành phố và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm để chấn chỉnh làm sạch môi trường du lịch, xử lý hành vi đeo bám, chèo kéo khách… Thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh bảo đảm an toàn cho du khách, an ninh trật tự trong hoạt động du lịch, sẵn sàng vào cuộc khi sự việc được phản ánh. Tuy nhiên, trong nhiều sự việc, du khách đã không liên hệ các đơn vị chức năng để phản ánh mà thường tự đăng lên các trang mạng xã hội, sau đó các đơn vị chức năng mới vào cuộc để giải quyết, xử lý…

Những hình ảnh, thông tin về các hành xử “xấu xí” của một số cá nhân làm du lịch kiểu “chụp giật”, “chặt chém” ảnh hưởng rất lớn đến môi trường du lịch và khi được lan truyền rộng rãi đã tác động đến tâm lý chung của cả người dân và du khách. Du khách nếu chưa đến thì sẽ ngại ngần hơn khi lựa chọn điểm đến; hoặc đến trong tâm lý bất an, lo lắng thì điểm đến sẽ không thực sự còn hấp dẫn.

Vì vậy mỗi người dân, mỗi người làm trong ngành dịch vụ du lịch hãy là một đại sứ du lịch. Thay vì nâng giá, “chặt chém” lấy được tiền của khách một lần thì bản thân mỗi người làm dịch vụ hãy hành xử một cách nhân văn, có văn hóa, thân thiện, mến khách… Ngành du lịch thành phố cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến những hành vi được làm và không được làm trong Bộ quy tắc ứng xử du lịch với không chỉ du khách mà cả người dân, những người kinh doanh làm dịch vụ. Nên thường xuyên có các lớp đào tạo ngắn hạn cho những người làm nghề dịch vụ, trang bị những kiến thức, nguyên tắc đạo đức và cách ứng xử văn minh, văn hóa với du khách. Nên có các chế tài xử phạt, xử lý mạnh với những trường hợp vi phạm để răn đe. Khi có thông tin được phản ánh, các tổ, ngành liên quan phải nhanh chóng có người tiếp nhận và xử lý để du khách cảm thấy an toàn và được bảo vệ.

Có như vậy điểm đến Đà Nẵng mới thực sự an toàn, thân thiện, mến khách.

Hà Khuê

;
.
.
.
.
.