Du lịch Đà Nẵng
Khẳng định thương hiệu du lịch
Thời gian qua, Đà Nẵng liên tục được các tạp chí du lịch, trang du lịch hàng đầu khu vực, thế giới, bình chọn, xếp hạng cao. Những kết quả đó cho thấy Đà Nẵng là điểm đến có sức hút với không chỉ đối với khách du lịch trong nước mà cả khách quốc tế.
Đà Nẵng liên tục được du khách lựa chọn là điểm đến yêu thích. TRONG ẢNH: Một góc cầu Vàng tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: NHẬT HẠ |
Từ đầu năm đến nay, thành phố Đà Nẵng liên tục được vinh danh với các giải thưởng, danh hiệu quốc tế như top 15 điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố (tháng 5-2022); Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) bình chọn Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) (tháng 1-2022), mới đây nhất được vinh danh ở vị trí thứ 3 trong top 10 thành phố du lịch tốt nhất Đông Nam Á (Best cities in Southeast Asia) tại Giải thưởng du lịch Asia’s Best Awards 2022 của tạp chí Travel & Leisure (tạp chí du lịch có trụ sở tại New York, Mỹ) tổ chức.
Phần đông các kết quả đều dựa trên các bình chọn, đánh giá của các độc giả khắp thế giới như với giải thưởng Asia’s Best Awards 2022 do tạp chí Travel & Leisure phiên bản Đông Nam Á giới thiệu. Các hạng mục của giải thưởng rất đa dạng, từ ngành du lịch, khách sạn, truyền thông và ngành dịch vụ thực phẩm (F&B) nhằm đưa ra các gợi ý du lịch về các điểm đến, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng…
Thực tế, lâu nay, thành phố Đà Nẵng không chỉ được đánh giá cao ở điểm đến mà còn ở cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhiều công trình cũng trở thành điểm nhấn đối với du khách khi đến Đà Nẵng như: cầu Rồng, công viên kỳ quan, cầu Tình yêu… Còn nhớ, năm 2018, khi cầu Vàng được đưa vào sử dụng tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, ngay lập tức đã trở thành “biểu tượng” mới của du lịch Đà Nẵng và công trình này liên tục nhận được các giải thưởng cũng như những lời khen ngợi và trở thành điểm đến của du khách mỗi khi đi du lịch Đà Nẵng. Và mới đây nhất, sau khi được khánh thành, Công viên vườn tượng APEC đã trở thành điểm “check-in” không thể thiếu của du khách khi đến Đà Nẵng.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công viên vườn tượng APEC đã được tờ báo South China Morning Post, một tờ báo tiếng Anh lâu đời nhất của Hồng Kông (Trung Quốc) giới thiệu là 1 trong 7 công trình kiến trúc được du khách ưa thích, check-in bên cạnh các công trình của Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore. Công viên vườn tượng APEC Đà Nẵng được giới thiệu nằm bên bờ sông Hàn, cách không xa cầu Rồng - một biểu tượng mới của thành phố. Đây là điểm nhấn xanh, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị; cũng là điểm du lịch, giải trí mới cho người dân và du khách.
Trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm, mới đây, anh Hồ Ngọc Tùng, du khách đến từ An Giang chia sẻ, anh đã dành một buổi chiều tối để đến check-in, dạo mát và vui chơi tại Công viên vườn tượng APEC. Anh chia sẻ, khi tới đây, anh mới thấy vẻ đẹp thực của công trình, có thể chờ để chụp các kiểu ảnh khác nhau với các hiệu ứng đèn, với các góc phong cảnh khác nhau như: biểu tượng cầu Rồng hoặc vòng quay mặt trời…
Những người làm du lịch cho rằng việc thường xuyên được vinh danh tại các hạng mục liên quan đến du lịch sẽ là cơ hội quảng bá cho điểm đến Đà Nẵng để du khách trong nước và quốc tế thấy rõ sức hút cũng như các sản phẩm hiện có của điểm đến này.
Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng trong quý 2-2022, Đà Nẵng đã chứng kiến lượng khách du lịch nội địa tăng cao, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển kín phòng dịp cuối tuần và đón nhiều đoàn khách MICE vào giữa tuần... đưa hoạt động du lịch thành phố sớm hồi phục và phát triển.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Cao Trí Dũng đánh giá các giải thưởng mà điểm đến, công trình của Đà Nẵng được vinh danh có sức lan tỏa và giá trị truyền thông rất lớn bởi những hình ảnh này sẽ góp phần nhận diện thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch rất mong muốn Đà Nẵng có thêm các nhà đầu tư tạo ra được những sản phẩm có sức truyền thông mạnh mẽ như thế.
“Đà Nẵng đang xây dựng thương hiệu tiếp cận điểm đến rất tốt, đó là tạo được đặc trưng riêng về môi trường du lịch, con người, hạ tầng hàng không…Bên cạnh những công trình mang tính biểu tượng (phải có sự chuẩn bị dài hơi), ngành du lịch thành phố cũng cần chuẩn bị thêm hệ sinh thái các sản phẩm về vui chơi, giải trí khác để duy trì sức hút của điểm đến, đó có thể là chuỗi sản phẩm như sự kiện “Lễ hội pháo hoa quốc tế”, “Lễ hội tận hưởng mùa hè 2022” hay ẩm thực... mang đặc trưng của Đà Nẵng để du khách thấy được sự mới mẻ, khác biệt mỗi lần đến với Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng phân tích.
NHẬT HẠ