Điểm đến
Đình Bồ Bản: Dấu ấn văn hóa và lịch sử
ĐNĐT - Không chỉ lưu giữ nhiều vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật truyền thống dân tộc, đình làng Bồ Bản còn ghi dấu ấn vẻ vang trên những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm.
Đình Bồ Bản có niên đại lâu đời thứ hai tại thành phố Đà Nẵng, sau đình Phước Thuận (1844). |
Vào những năm cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1470), theo tiếng gọi Nam tiến của vua Lê Thánh Tông với phương châm: “Bắc địa trùng dương khai quốc sử/ Nam thiên khẩn nghiệp thạch minh danh”, các vị tiền nhân của 4 tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn đi khai khẩn đất đai, lập nghiệp, kết tình huynh đệ, cùng chung tay xây dựng nên một vùng đất mới, một sự sống mới. Làng Bồ Bản hình thành từ đó.
Đến đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm cùng gia nhập, chung tay xây dựng quê hương Bồ Bản. Đến nay, 500 hộ với tổng số dân trên 2.500 người, gồm 23 chư phái tộc luôn đoàn kết, sống chan hòa, yêu thương trên mảnh đất này.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dần được nâng cao. Để có nơi thờ thần, tổ chức sinh hoạt lễ hội hằng năm và thờ cúng các vị tiền hiền của làng, nhân dân địa phương đã xây dựng đình làng Bồ Bản.
Đình Bồ Bản có dạng chữ “Nhất”, mặt quay về hướng Nam, được xây theo kiểu “3 gian, hai chái” với kết cấu vững bền, tường gạch mái ngói. Mang nét kiến trúc cổ kính độc đáo và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An), đình Bồ Bản lưu giữ nhiều vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật truyền thống dân tộc. |
Theo ông Tán Kim, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), đình làng Bồ Bản được xây dựng đầu tiên vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) bằng tranh tre tại gò miếu Tam Vị ở phía đông làng.
Đến năm Nhâm Tý (1852), đời vua Tự Đức thứ 5 dựng đình ở một vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 200m về phía Tây. Địa hình mới thoáng mát, phía trước là cánh đồng mênh mông tiếp giáp với làng Cẩm Toại và sông Yên.
Đình nằm giữa 5 gò cao của làng, gồm: gò Dinh Ông, gò Miếu, gò Ổi, gò Chùa, tượng trưng cho ngũ hành. Lưng đình dựa vào gò Miếu cao, thể hiện tư thế hiên ngang, vững chãi cùng thời gian. Bên phải là gò Chùa, gò Miếu Tam Vị hay còn gọi là Quần Hổ, bên trái có gò Ổi hay còn gọi là Tả Thanh Long, tạo thành thế “rồng chầu hổ chực” hay Long Hổ Hội.
Đến năm Thành Thái 18 (1906), đình được trùng tu lại, nâng nghệ thuật kiến trúc lên một mức mới nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Bên trong chính điện, ở giữa đặt bàn hương án thờ Thành Hoàng làng và các vị thần có sắc phong. Tả ban đề chữ “Quang tiền” thờ các vị tiền hiền, hữu ban đề chữ “Dũ hậu” thờ các vị hậu tiền. Hai bên tả hữu có hai long đỉnh được chạm trổ công phu, dùng để thỉnh sắc vua ban. |
Đình có tất cả có 36 cây cột làm bằng gỗ mít và gỗ kiền kiền được đặt trên kệ đá chạm hình trái bí. Trong đó, tám cột cái (cột nhất) cao 4,5m, tám cột hàng nhì cao 3,5m, tám cột hàng ba cao 2,3m, bốn cột đấm, bốn cột quyết và bốn cột ở cửa hông.
Bên cạnh đầu rồng được chạm khắc thường thấy tại các đình làng khác, các thanh trính, kèo ở đình Bồ Bản còn được trang trí thêm tứ thời, tứ quý, cầm kỳ thi tửu… mềm mại và tinh xảo. Đây cũng nét đặc sắc riêng của đình Bồ Bản.
Họa tiết đầu rồng thường thấy tại các đình làng. |
Mái đình lợp ngói âm dương. Nóc mái đắp hình “lưỡng long triều nguyệt” (hay còn gọi “lưỡng long tranh châu”). Phần giữa của mái trước có tạo thêm đường gờ cao, gắn trang trí hình “lưỡng phụng tranh ngọc” và kim quy cá gáy. Cuối mái ngói đắp cặp kỳ lân chầu cùng đồ án “thanh long - bạch hổ” (còn gọi “Long Hổ Hội”). Hai đầu bít đốc trang trí hình dơi, mai điểu, tùng lộc. Tất cả đều được tạo dáng qua kỹ thuật nề và ghép sành sứ với kỹ thuật tinh xảo. |
Năm Kỷ Tỵ, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, đình làng bị hư hại trầm trọng. Tháng 11 năm 1989, đình làng được tu sửa lại và được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999.
Không chỉ lưu giữ nhiều vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật truyền thống dân tộc, đình làng Bồ Bản còn ghi dấu ấn vẻ vang trên những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm.
Ngoài sân rộng có một bức bình phong lớn, mặt trong trang trí hình rùa, mặt trước là hình long mã. Trước hiên có bốn câu đối. |
Bên phải của đình là miếu Thần nông trầm mặc dưới tán cây đa cổ thụ. Theo thời gian, lệ thờ Thần Nông ở các làng tại Đà Nẵng cũng dần mai một. Miếu Thần Nông ở làng Bồ Bản là một trong ba nơi hiện còn thờ vị thần đầu đội cánh chuồn dạy nông dân cách làm lúa nước. |
Cùng với miếu Thần Nông, Âm linh tự nằm cạnh bên đã tạo nên quần thể kiến trúc độc đáo. |
Theo lời kể của ông Tán Kim, nơi đây là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Tháng 8 năm 1945, đình Bồ Bản trở thành điểm tập kết đoàn biểu tình của tổng An Phước (huyện Hòa Vang), nơi thành lập Ủy ban Hành chính xã Bồ Bản.
Đặc biệt, năm Kỷ Dậu, đình Bồ Bản đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc cùng trận đánh xóm Đình. Đêm 22-2-1969, lực lượng Trung Đoàn 41 phối hợp với Huyện đội Hòa Vang, dân quân du kích và nhân dân thôn Bồ Bản đã ngoan cường chiến đấu với lực lượng lính Mỹ và chư hầu có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và máy bay yểm trợ.
Mộ của các vị Tổ Tiền hiền được di dời ra khỏi khuôn viên, tọa lạc ở phía Tây đình làng, xây cất quy mô bền chặt trên khu đất rộng rãi. |
Tại ngôi đình này, giặc Mỹ dã man bắt người già, phụ nữ và trẻ em làm bia đỡ đạn. Trước tình hình đó, quân và dân Bồ Bản cùng bộ đội quyết định tiến đánh giáp lá cà với Mỹ, ngụy và chư hầu. Trong ba ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã đẩy lùi 21 đợt tấn công của Mỹ, tiêu diệt 300 tên, bắn cháy 1 xe tăng. Đây là trận đánh ác liệt nhất với 3 mũi giáp công, ghi dấu chiến công lẫy lừng của quân và dân xã Hòa Phong trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Bị thua đau, giặc Mỹ điên cuồng cho máy bay bắn phá khu dân cư làm nhiều nhà dân bị thiệt hại và thiêu rụi nhưng đình Bồ Bản vẫn sừng sững giữa làn bom đạn, như tinh thần ngoan cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Bia chiến tích |
Trải qua bao thăng trầm thời gian, ngôi đình hư hại một phần và tiếp tục được tu sửa vào năm 1990 và 2007. Đến năm 2011, đình Bồ Bản được xây dựng thêm các công trình ngoại vi như tường thành, cổng tam quan, sân vườn.
Để ghi dấu chiến công oanh liệt của dân làng Bồ Bản, năm 2013, Đảng bộ xã Hòa Phong quyết định xây bia chiến tích ngay trên mảnh đất của đình làng.
Bài và ảnh: KHA MIÊN