Điểm đến
Nét độc đáo của Bảo tàng điêu khắc Chăm
ĐNĐT - Được xây dựng từ năm 1915 và khánh thành đầu năm 1919, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa.
Khuôn viên Bảo tàng Điêu khắc Chăm |
Theo ý tưởng của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L' École francais d' Éxtrême - Orient, viết tắt là EFEO), các hiện vật được phân loại để trưng bày theo nguồn gốc địa điểm nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật. Gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong bảo tàng, được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum. 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho.
Từ 1-1-2012, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp hạng là Bảo tàng hạng 1. Cả nước có 119 bảo tàng, trong đó chỉ có 12 bảo tàng được xếp hạng 1.
Phòng Trà Kiệu
Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 50 km về hướng tây nam. Trà Kiệu được xác định là kinh đô của vương quốc Champa ở thời sơ kỳ. Theo sử liệu ghi lại, đây là kinh đô đầu tiên và cổ nhất của Champa, được xây dựng vào cuối thế kỉ IV dưới triều vua Bhadresvara với tên gọi Sinhapura, nghĩa là Thành phố Sư Tử.
Hiện vật trưng bày tại bảo tàng - Đài thờ Trà Kiệu |
Đài thờ Trà Kiệu (thế kỷ VII-VIII) gồm hai phần, phần bên trên gồm hai thớt tròn, được trang trí với những cánh hoa sen cách điệu trên và dưới đối xứng nhau. Thớt phía trên thể hiện Yoni, với rãnh và vòi dẫn nước, ôm lấy một linga; Phần bên dưới là một đế thờ hình vuông gồm bốn mặt với vô số hình người được chạm khắc tinh xảo.
Hiện có nhiều ý kiến xoay quanh ý nghĩa của đài thờ này. Năm 1930, Przyluski cho rằng những trang trí trên bốn mặt của đài thờ minh họa truyền thuyết việc thành lập nước Phù Nam. Một năm sau đó, Coedes đã bác bỏ giả thuyết này, và cho rằng các cảnh của đài thờ thể hiện những giai đoạn khác nhau của cuộc đời thần Krishna như được kể trong Bhagavata Puruna. Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng đài thờ kể chuyện một trích đoạn trường ca Ramayana, chủ đề là lễ cưới của nàng Sita với hoàng tử Rama.
Từ những hình tượng nhân vật được điêu khắc, chạm trổ rất trau chuốt, đều đặn, đặc biệt là hình ảnh mười một vũ nữ Apsara nhảy múa vô cùng mềm mại, uyển chuyển, gợi cảm đến những kiểu trang phục, trang sức, kiểu tóc được thể hiện rất tỉ mỉ, tác phẩm hoàn toàn xứng đáng là một trong những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đài thờ được đưa về bảo tàng năm 1901.
Vũ nữ Trà Kiệu |
Vũ nữ Trà Kiệu (thế kỷ VII-VIII): Hai mặt của đài thờ thể hiện vũ nữ Apsara trong tư thế múa tribhanga với thân mình uốn cong mềm mại, uyển chuyển cùng nhạc công với vẻ mặt tươi tắn chơi đàn Vina - một loại nhạc cụ truyền thống xuất xứ từ Ấn Độ.
Các Apsara mặc một loại váy bằng voan mỏng, bó sát người, có thể nhận biết được thông qua chiếc nơ lớn được thắt lại ở cạnh hông sau lưng. Cổ, tay, vòng eo và bên ngoài chiếc sampot là những chuỗi hạt ngọc. Phía sau nhạc công và vũ nữ là những cánh hoa sen được cách điệu tạo thành những đường kỷ hà sắc nét làm tôn thêm vẻ quyến rũ của các vũ nữ. Đài thờ còn lại hiện nay chỉ là 1/16 của đài thờ xưa kia.
Apsara được xem là những vũ nữ thiên tiên. Họ được sinh ra từ đại dương khi các thần khuấy biển sữa.
Phù điêu Vishnu |
Phù điêu Vishnu (thế kỷ XI-XII): Theo Ấn độ giáo, Vishnu là vị thần bảo tồn, canh giữ không trung. Trong thần thoại Ấn Độ, vị thần này có rất nhiều kiếp hóa thân khác nhau. Tấm tympan với viền khung xung quanh hình lá đề, bên trong thể hiện thần Vishnu ngồi xếp bằng theo kiểu Ấn Độ trên thân mình cuộn thành chín khúc của rắn Naga.
Phía sau lưng thần, rắn Naga mọc lên mười ba đầu tạo thành một tán che cho thần. Bốn tay của thần cầm bốn vật tượng trưng gồm: chiếc gậy Kaumodaki, chiếc tù và bằng ốc biển Shankha, chiếc đĩa rỗng đáy Sudarsana và đoá hoa sen (đã gãy). Đề tài về thần Vishnu xuất hiện không nhiều trong điêu khắc Champa, vì thế tác phẩm này rất quí hiếm và có giá trị trong việc tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc và tôn giáo của Champa.
Đài thờ Linga-Yoni |
Đài thờ Linga-Yoni (thế kỷ VII-VIII): Đài thờ gồm phần cột hình trụ bên trên, chia làm ba phần gọi là Linga và phần bệ hình vuông có rãnh dẫn nước nằm bên dưới gọi là Yoni. Linga theo tiếng Phạn cổ thường được hiểu là một hòn đá dựng lên tượng trưng cho dương vật. Thần Siva có mười hai biểu tượng, trong đó Linga là biểu tượng nổi tiếng nhất, tượng trưng cho năng lực sáng tạo siêu việt của thần.
Yoni cũng có nguồn gốc từ tiếng Phạn, nguyên nghĩa là “Bầu vú, nguồn gốc”. Trong những đài thờ kết hợp Linga và Yoni, Linga tượng trưng cho nguyên lí dương và Yoni tượng trưng cho nguyên lí âm. Sự giao hoà âm – dương là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong vũ trụ và cũng là một nét đặc trưng trong tập tục thờ cúng của các cư dân nông nghiệp.
Thần hộ pháp |
Thần hộ pháp (Siva?), (thế kỷ VII-VIII), theo Henri Parmentier, tác phẩm thể hiện thần Siva; nhưng căn cứ vào đồ trang sức thể hiện trên tóc và dây rắn Naga quấn quanh mình thần và một số yếu tố khác, Boisselier kết luận cùng với một bức phù điêu gần giống như bức này tạo thành một cặp thần hộ pháp.
Thần đứng trong tư thế tribhanga, thân mình hơi nghiêng sang phải, vẻ mặt điềm tĩnh, mái tóc được tết thành nhiều lọn trang trí tạo thành một búi cao như chiếc mũ miễn Kỉita mukuta. Dù bị hư hại nhiều, tác phẩm vẫn là một trong những hiện vật đẹp của nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Phòng Mỹ Sơn
Mỹ Sơn từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay, cách di tích Trà Kiệu (Simhapura - kinh đô của Chămpa cho đến năm 1000) khoảng 30 km về phía tây. Trong không gian thâm nghiêm của một thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi nhỏ, tại đây có hơn 70 ngôi tháp, phần lớn được xây dựng để thờ thần Siva.
Tại phòng Mỹ Sơn, Bảo tàng hiện đang trưng bày 18 hiện vật, gồm 3 nhóm hiện vật: hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung.
Đà thờ Mỹ Sơn |
Đài thờ Mỹ Sơn: Ở giữa của mặt trước đài thờ là một cấp bậc nhỏ, thành của cấp bậc là một bức chạm tả cảnh người trong điệu múa khăn. Người ở giữa trong tư thế uốn mình hai chân xoãi gần sát đất, hai tay dang rộng nâng một dải lụa với nét mặt ngẩng nhìn lên. Hai bên là hai vũ công, chân trái khép lại, chân phải xoãi bật ra, hai tay công lên nâng dải lụa, tất cả toát lên vẻ say sưa, thành kính trong nghi lễ dâng cúng thần linh.
Các ô khác của đài thờ miêu tả cảnh một tu sĩ năm tĩnh tâm, lần chuỗi hạt dưới một bóng cây, cảnh biểu diễn âm nhạc với người thổi sáo và người vỗ trống, cảnh tu sĩ đang giảng đạo cho tín đồ, cảnh đạo sĩ đang luyện thuốc và chữa bệnh…
Tượng Skanda và tượng Ganesa trong tư thế đứng, ngồi. |
Trên đài thờ là tượng Skanda và tượng Ganesa trong tư thế đứng, ngồi.
Tượng Skanda (trái) miêu tả thần Skanda đang đứng trên một con công, các chi tiết trên thân hình và đuôi con công được chạm trổ tinh tế, hoàn mỹ theo bút pháp tả thực. Tiếc là đầu con công bị gãy nhưng toàn bộ thân hình và dáng đứng của con công vẫn toát lên vẻ trang trọng vững chãi, tôn vinh vẻ đẹp của thần Skanda, một vị thần tượng trưng cho sự trẻ trung và nhiều tài năng trong thần thoại Ấn Độ.
Tượng Ganesa được tìm thấy ở tháp E 5. Thần có bốn cánh tay, một tay cầm chén có cắm cái vòi của thần, một tay cầm chuỗi hạt, hai tay khác đã gãy mất. Thần mang nhiều đồ trang sức, ở cổ là một chiếc vòng nặng có hình những cánh hoa kết xoắn xít. Thần mặc một chiếc sampot có thân buông xuống phía trước, thắt lưng được buộc lại bằng một loại khoá chạm khắc thành hình hoa trước bụng. Choàng qua vai thần là một sợi dây hình rắn, một dấu hiệu thường thấy ở các tượng thần Siva.
Với thân hình tròn trĩnh, mập mạp, tượng thần Ganesa đứng trông rất vững chãi, bệ vệ và thân thiện với mọi người. Thần Ganesha là con trai của thần Siva. Ganesha là vị thần biểu trưng cho trí tuệ, hạnh phúc và may mắn. Thần được thờ cúng sớm, rộng rãi và lâu dài tại Ấn Độ cũng như ở các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Dương và quần đảo Mã Lai.
Tượng Siva |
Tượng Siva đứng được tìm thấy ở tháp Mỹ Sơn C1. Đây là bức tượng theo bút pháp tả thực với chiều cao gần như người thật, khuôn mặt bộc lộ những nét nhân chủng của người Chăm. Đôi mắt hơi xếch, mở lớn, cánh mũi to và đôi môi dày. Đôi vai ngang và dáng đứng thẳng toát lên một sức mạnh cường tráng.
Vũ nhạc triều đình |
Vũ nhạc triều đình là phiến đá gác ngang phía trên cửa để xây tiếp phần vòm cửa (được gọi là mi cửa, dâm cửa hay lanh-tô), được tìm thấy ở tháp Mỹ Sơn E4. Phiến đá được chạm khắc cảnh múa hát trong triều đình. Nhà vua trên một chiếc ngai ở giữa bức chạm, tay phải cầm một thanh kiếm dài, tay trái giơ cao như đang ra lệnh, hai bên là hai người hầu cầm lọng, cạnh hai người hầu bên phải là một người đứng cầm phất trần và bên trái là một người ngồi gập hai chân, tay dâng một vật có miệng cong, rộng có đế cao, được phỏng đoán là một chiếc cơi đựng trầu.
Tiếp theo hai bên là hai nhóm nhạc công gồm năm người, đánh trống ginăng, xập xõa và thổi kèn. Những nhạc cụ này vẫn còn phổ biến trong dàn nhạc của người Chăm hiện nay.
Ngoài ra, tại phòng Mỹ Sơn còn trưng bày một tấm bia chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ cùng các vị thần phương hướng.
Phòng Đồng Dương
Đồng Dương là một di tích Chăm tại làng Đông Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoang 60km về phía Tây Nam.
Tượng Phật lớn nhất của điêu khắc Chăm |
Đây là tượng Phật lớn nhất của điêu khắc Chăm. Tượng được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ tại di tích Đồng Dương năm 1902, phần chân tượng bị vùi lấp dưới đống đổ nát tại vòng thành III, nơi được cho là hội trường chính của Phật viện, phần thân tượng được phát hiện ở tòa tháp trung tâm thuộc vòng thành I.
Đồng thời tại khu vực này đã tìm thấy 2 đầu tượng có kích thước tương xứng với thân tượng và công việc lắp ghép các bộ phận của tượng Phật đã được thực hiện tại hiện trường khảo cổ. Đầu tượng thứ nhất không phù hợp với thân tượng, đầu tượng thứ 2 lắp ghép trùng khớp hơn. Mặc dù vẫn có thể có một chiếc đầu khác chưa được tìm thấy. Chiếc đầu thứ 2 đã được chuyển về Hà Nội trước năm 1936 và được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đầu tượng đang trưng bày là đầu được phục chế lại.
Tượng Dvarapala |
Tượng Dvarapala: Vị thần hộ pháp này đứng trên lưng con trâu, miệng trâu ngậm một vật, tay cầm vũ khí xoay người nhìn lên hộ pháp. Khuôn mặt thần hộ pháp dữ tợn, đầy vẻ hăm dọa, đầu đội kirita ba tầng, tay phải thần cầm đoản kiếm vung lên ngang tai, mũi kiếm hướng vào trong. Tay trái thần cong gập vào trước ngực, bàn tay cũng ở thế Vitarka mudra, đặt ngay dưới ngực.
Tượng Bồ tát Tara |
Tượng Bồ tát Tara (cuối thế kỷ IX-đầu thế kỷ X) là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm, thể hiện hoá thân nữ của Bồ tát Avalokitesvara dưới tên gọi Tara. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen.
Tượng khoác sarong hai lớp, từ thắt lưng dài đến mắt cá chân. Lớp trong của sarong đơn giản, có những kẻ sọc, bó sát thân mình, buông dài bằng lớp ngoài. Chính giữa sarong bên trong trang trí một băng nổi trơn. Chiếc sarong ngoài khá đặc biệt, là một loại váy quấn nhiều vòng từ sau ra trước, đầu mối giắt trước bụng. Nó được thể hiện như một loại vải mềm mại bởi những đường xếp tự nhiên khi vải được vắt lên trên.
Ngoài nét độc đáo của chiếc váy thì nét đẹp ngoại hình của nhân vật khiến cho tác phẩm này đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ có ngoại hình cân đối. Tượng mình trần, cổ cao có ba ngấn đẹp, đôi vai rộng càng làm nổi bật chiếc eo thon nhỏ nâng cặp vú tròn căng đầy sức sống.
Khuôn mặt và đồ trang sức của tượng càng được dày công tô điểm và hội tụ tất cả những đặc điểm của phong cách Đồng Dương. Bồ tát có miệng rộng, môi dày có vành môi sắc nét, mũi cao, hai cánh mũi rộng, đôi mắt lớn hình hạnh nhân bên trong có đồng tử được khảm bằng một loại đá quý.
Đầu tóc tượng Tara được tết làm nhiều tết tóc nhỏ búi cao trên đỉnh đầu, được chia làm hai tầng bằng một tết tóc. Ở trước tầng trên là hình ảnh tượng phật A di đà ngồi xếp bàn, là chi tiết để nhận biết những tác phẩm thể hiện Bồ tát.
Phòng Tháp Mẫm
Nằm cách Đà Nẵng 300km về hướng Nam, Bình Định ngày nay còn khá nhiều di tích Chăm, tiêu biểu là hệ thống đền tháp đồ sộ được xây dựng liên tục trong thời gian từ thế kỉ XI đến XV khi trung tâm chính trị của Champa đặt tại đây. Trong đợt khai quật năm 1934 và 1935 tại gò đồi Tháp Mẫm - Bình Định, J.Y Clayes đã phát hiện được rất nhiều hiện vật đẹp như rồng, voi-sư tử, chim thần Garuda, tượng và phù điêu các nam thần, nữ thần, vũ nữ... tiêu biểu cho phong cách Tháp Mẫm.
Thần Shiva |
Thần Shiva, trong số các vị thần Ấn Độ giáo, Shiva là vị thần phức tạp nhất và có nhiều quyền năng nhất. Thông thường người ta biết đến Shiva như là vị thần hủy diệt, đồng thời cũng là thần sáng tạo. Ngoài ra, theo thần thoại Ấn Độ, Shiva còn là vị thần của những vũ điệu, thần sơn cước, thần chết .
Shiva được thờ cúng rộng rãi dưới hình dạng một Linga. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, tượng và phù điêu Shiva chiếm số lượng tương đối lớn, được thể hiện ở nhiều phong cách nghệ thuật, nhiều tư thế khác nhau. Trong tập tục của người Chăm xưa, các vị vua có công trạng sau chết thường được phong thần, thờ thần Shiva cũng chính là thờ vua. Các vua Chăm tự nhận mình là các hoá thân của thần Shiva, được tái sinh trên cõi đời này để cứu giúp thần dân của họ, vì vậy các vua thường kết hợp tên mình với tên gọi của thần Shiva.
Tác phẩm thể hiện Shiva trong tư thế ngồi xếp bằng, trên mình có sợi dây rắn Naga quấn qua vai. Mặc dù phần đầu, hai cánh tay phụ, một phần tay phải trước và những vật cầm tay đã bị gãy vỡ, tác phẩm vẫn còn rõ những chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo thể hiện qua các đồ trang sức trên cổ, tay và trang phục.
Hai bên là thủy quái Makara (thế kỷ XIII), là một tượng tròn, ở tư thế nằm, được cách điệu với sự pha trộn nhiều chi tiết của nhiều con vật khác nhau, hai chân trươc cùng đầu vươn cao, lòng bàn chân mở ra phía trước tạo nên tư thế vừa ngộ nghĩnh vừa hung dữ.
Theo thần thoại Ấn Độ, thủy quái Makara là vật cưỡi của thần đại dương Vảuna. Trong điêu khắc Chăm, Makara còn được gọi là rồng, thường hay thể hiện thành một cặp đôi đối xứng nhau, đặt ở lối vào các ngôi đền, giữ gìn sự yên tĩnh, tôn nghiêm cho nơi thờ cúng, trú ngụ của các vị thần linh.
Hiện vật ở giữa là Rồng (thế kỷ XIII), được thể hiện ở tư thế nằm, hai chân trước đặt hướng về trước, hai chân sau đưa ngược lên về sau, tạo nên dáng vẻ rất ngộ nghĩnh, chiếc vòng lục lạc đeo ở cổ khắc họa thêm nét sinh động, vui tươi. Các chi tiết tinh xảo trên mình, đầu và đuôi rồng là sự kết hợp của nhiều con vật khác nhau, thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo và tính hài hước của các nghệ sĩ Chăm. Rồng thường được thể hiện thành một cặp đôi, đặt song song trước lối ra vào của tháp Chăm, hiện vật còn lại cùng cặp với hiện vật này đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris.
Thần Brahma |
Thần Brahma là thần sáng tạo, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo. Đôi khi Brahma còn được xem là thần của sự thông thái. Có nhiều giai thoại thú vị về sự ra đời của Brahma.
Theo Puranas, Brahma được sinh ra từ một đoá hoa sen mọc từ rốn của thần Vishnu vào buổi bình minh của vũ trụ. Một giai thoại khác lại cho rằng Brahma sinh ra từ một quả trứng vàng có tên là Hiranyagarbha. Khi quả trứng tách ra làm hai nửa, Brahma sinh ra và các phần còn lại của quả trứng ngay lập tức hoá thành núi non, sông ngòi vạn vật, mọi sự sống trong vũ trụ bắt đầu từ đó.
Nghệ thuật truyền thống thể hiện Brahma ở dạng phù điêu với bốn đầu, bốn tay cầm bốn vật tượng trưng. Mỗi cái đầu của thần được xem như tượng trưng cho một pho kinh Veda. Vật cưỡi của thần là chú ngỗng Hamsa. Mặc dù là một trong ba vị thần tối cao, ở Ấn Độ Brahma ít được thờ cúng hơn so với hai vị thần còn lại là Vishnu và Shiva.
Đài thờ |
Đài thờ (thế kỷ XII) là một thớt tròn, xung quanh được trang trí với 23 bầu vú phụ nữ đầy đặn, căng tròn, đường kính mỗi bầu là 11cm. Phía trên và dưới của vòng tròn vú là các đường xoắn chập hai đầu dây rất tỉ mỉ, theo phương thẳng đứng. Đây là những kiểu thức trang trí rất phổ biến trong điêu khắc Chăm vào thế kỷ XII-XIV. Đài thờ xứng đáng là một kiệt tác của điêu khắc Chăm, thể hiện ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và xã hội mẫu hệ.
Hành lang Quảng Nam
Hành lang Quảng Nam trưng bày 32 hiện vật niên đại thế kỷ VII-VIII và IX-X, được khai quật từ nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam.
Shiva mua |
Shiva múa (thế kỷ X) thể hiện thần Shiva đang múa trong tư thế hình chữ S mềm mại, uyển chuyển. Từ hai cánh tay chính của thần mọc ra 14 cánh tay phụ, hai bên dưới thần là các nhạc công chơi đàn và những vị thần khác đang chiêm bái điệu múa của thần. Shiva còn được xem là thần của những vũ điệu. Vũ điệu Tandava của thần ghi dấu sự vận động vĩnh cửu của vũ trụ. Tác phẩm được tìm thấy tại làng Phong Lệ, tỉnh Quảng Nam năm 1890, được chuyển về Bảo tàng năm 1901.
Phù điêu Yaksa |
Phù điêu Yaksa (thế kỷ ?) thể hiện thần Yaksa ngồi xếp bàn, hai chân dang rộngm hai cổ chân xếp lên nhau, bàn chân phải đặt lên bàn chân trái, hai bên đầu thần được trang trí bởi hai đồ án hoa văn mềm mạo, uốn lượn mang nét tương đồng với các tác phẩm điêu khắc Ấn Độ và Khmer thời kỳ sớm. Là vị thần rừng trong thần thoại Ấn Độ, người canh giữ các kho báu ẩn sâu trong lòng đất hay dưới các rễ cây.
Phù điêu Krishna |
Phù điêu Krishna (thế kỷ VII-VIII) là vị thần đồng cỏ, hóa thân tứ tám của Vishnu. Đề tài Krishna ít xuất hiện trong điêu khắc Chăm, tác phẩm duy nhất được trưng bày tại hành lang Quảng Nam của bảo tàng thể hiện cảnh thần đang nâng ngọn núi Govarrdhana chống lại cơn mưa kéo dài bảy ngày bảy đêm của thần Indra, một đề tài trong thần thoại Ấn Độ.
Hành lang Quảng Ngãi
Hành lang Quảng Ngãi hiện trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỉ X đến giữa thế kỉ XI, hầu hết được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số địa danh khác ở tỉnh Quảng Ngãi. Chánh Lộ cũng là tên gọi mà Boisselier đã chọn để đặt tên cho phong cách nghệ thuật chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Tháp Mẫm.
Phù điêu Sarasvati |
Phù điêu Sarasvati (thế kỷ XII), nữ thần của kiến thức, âm nhạc và nghệ thuật, là vợ của thần Brahma.
Sarasvati thường hay xuất hiện trong nghệ thuật tranh, tượng và thần thoại như một vị nữ thần duyên dáng, cưỡi trên lưng ngỗng Hamsa hay ngồi trên một đài sen, có bốn vật cầm tay gồm quyển sách - biểu tượng của học thuật, viết lách, đàn vina - sự am hiểu về nghệ thuật, chuỗi tràng hạt pha lê - sức mạnh tinh thần và lọ nước thiêng - năng lực của sáng tạo và thanh tẩy.
Nguyên thủy Sarasvati còn là nữ thần của sông ngòi, tượng trưng cho sự màu mỡ, tốt tươi và thịnh vượng.
Tượng Laksmi |
Tượng Laksmi (thế kỷ XI) là thần của vận may và hạnh phúc, người tha thờ cúng thần để mong có nhiều của cải và giàu có. Laksmi đôi khi được gọi là Sri và là vợ của Vishnu trong tất cả các kiếp hóa thân của nàng. Trong nghệ thuật Ấn Độ, Laksmi được thể hiện như một phụ nữ xinh đẹp, có hai hoặc bốn tay, đứng hoặc ngồi trên một đóa sen, tuy nhiên trong nghệ thuật Chăm, nữ thần đôi khi được thể hiện rất đơn giản, không có những vật cầm tay hay những chi tiết kể trên.
Ngoài những phòng trưng bày kể trên, Bảo tàng còn trưng bày nhiều bức phù điêu trang trí với những họa tiết, hoa văn tinh xảo và có phòng trưng bày mở rộng với nhiều hiện vật phong phú.
Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiến hành đăng ký các hiện vật đề nghị là Bảo vật Quốc gia. Hội đồng thẩm định Bảo vật Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xét chọn 03 hiện vật Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Bồ tát Tara là Bảo vật Quốc gia trong đợt đầu tiên.
Như Nguyệt