Chìm nổi dự án Làng Đại học Đà Nẵng - Bài 3: Mơ về "thánh đường tri thức"

Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đang rà soát chiến lược phát triển toàn diện và các cơ sở thành viên để có phương án bố trí quy hoạch hợp lý nhất, phù hợp với sự hình thành Làng đại học (LĐH) trong tương lai.

Sân bóng đá và bóng chuyền của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin trong Làng đại học vẫn tạm bợ và phải ghép chung.
Sân bóng đá và bóng chuyền của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin trong Làng đại học vẫn tạm bợ và phải ghép chung.

Giải bài toán quá tải

TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHĐN) cho biết, quy tụ vào LĐH là mong mỏi của tất cả giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kinh tế. Cơ sở hạ tầng của trường hiện nay đáp ứng số lượng đào tạo 8.000 đến 9.000 sinh viên/năm. Trong tương lai gần, khi con số này tăng lên thì trường sẽ quá tải.

Không chỉ vậy, theo TS Nguyễn Mạnh Toàn, việc quy tụ các trường ĐH về chung một nơi là điều tất yếu diễn ra ở các nước phát triển. Việt Nam cần sớm thực hiện để phát triển giáo dục tập trung theo mô hình thế giới, sử dụng hiệu quả các nguồn lực có thể dùng chung. Bên cạnh đó, việc gom các trường vào LĐH còn góp phần giảm ô nhiễm và ách tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐHĐN), thời điểm hiện tại, nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ cùng cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ việc đào tạo, nghiên cứu… Tuy nhiên, diện tích đất hiện có không đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đặc biệt, với chủ trương phát triển các ngành đào tạo thế mạnh của nhà trường như Công nghệ sinh học, Hóa dược, Địa lý tự nhiên, Môi trường… - những ngành đòi hỏi không gian lớn phục vụ thí nghiệm, thực hành, nghiên cứu thì quỹ đất của trường không thể đáp ứng nổi.

Vì thế, việc gấp rút xây dựng đô thị ĐH là điều hết sức cần thiết. “Mong Chính phủ sẽ quyết tâm xây dựng LĐH Đà Nẵng trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo và nghiên cứu mạnh nhất của cả nước. Xây dựng một lộ trình rõ ràng và triển khai quyết liệt, kinh phí đầu tư cụ thể, trong đó chú ý đến đánh giá tất cả mọi tác động tích cực và tiêu cực (nếu có) trong quá trình thực hiện, từ đó vạch ra những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, khắc phục, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra…  Khi mọi việc đã rõ ràng từ chủ trương đến kế hoạch thực hiện thì toàn thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên ĐHĐN sẽ đồng lòng thực hiện”, PGS.TS Võ Văn Minh nói.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, sau 20 năm xây dựng với cơ chế đặc thù của ĐH vùng, ĐHĐN đã tập hợp sức mạnh của các đơn vị thành viên để phát triển, vươn lên trở thành ĐH uy tín của cả nước. Thế nhưng, đến nay, khi các đơn vị thành viên đã trưởng thành, vững mạnh thì cơ chế cũ lại giới hạn khả năng phát triển của các đơn vị thành viên. Do vậy, để ĐHĐN tiếp tục vươn lên với một sứ mệnh mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm khởi động lại dự án LĐH.

Đồ họa: VĂN QUANG
Đồ họa: VĂN QUANG

Làng đại học đúng nghĩa

Cũng theo PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, LĐH đúng nghĩa không chỉ là nơi tập trung các trường ĐH, không chỉ có các công trình phục vụ mục đích học tập, đào tạo mà còn phải cung cấp được các tiện nghi giáo dục, nghiên cứu và cả giải trí phục vụ cuộc sống của hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên.

Cụ thể, đó là khu ký túc xá sinh viên, khu nhà ở cho giảng viên, siêu thị, bưu điện, công viên, nhà thi đấu, thậm chí là rạp hát, nhà trẻ cho con em giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh... Đặc biệt, LĐH phải có cả bệnh viện chất lượng cao để bảo đảm chữa trị kịp thời cho các “cư dân” của khu đô thị và là nơi để sinh viên y dược thực hành mỗi ngày.

Theo anh Hoàng Công Huân, hiện đang học chương trình tiến sĩ tại Trường Hull University Business School, Vương quốc Anh, “trái tim” của LĐH không phải là những khối nhà đồ sộ riêng lẻ mà phải là những khu vực chung phục vụ cho giảng dạy và học tập như thư viện, các phòng thí nghiệm công nghệ cao, khu vực hợp tác nghiên cứu, giao lưu - nơi thường xuyên cập nhật các tư liệu và có khả năng cung cấp tri thức cho sinh viên tất cả các trường thành viên.

Để làm được điều trên, ngay từ đầu, việc xây dựng LĐH phải gắn với hệ thống xe buýt nhanh, tiện lợi để giảng viên và sinh viên có thể di chuyển dễ dàng giữa các địa điểm trong LĐH và giữa LĐH với trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động về thực hành, nghiên cứu, đối nội, đối ngoại của LĐH. Bên cạnh đó, cần chú trọng hệ thống mạng thông tin nội bộ LĐH. Theo đó, mỗi sinh viên có một tài khoản riêng, từ đó LĐH sẽ quản lý, kiểm soát quá trình nghiên cứu, học tập của mỗi sinh viên, giảng viên. Đồng thời, sinh viên và giảng viên có quyền tra cứu, lưu trữ vào nguồn thông tin và mọi tiện ích của LĐH từ tài khoản của mình một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Đồng tình với những ý kiến, nguyện vọng trên, GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN cho biết, hình thành LĐH có nghĩa là sẽ phải bảo đảm sự phát triển đồng bộ cho quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục, trong đó bảo đảm sự liên kết giữa các đơn vị; sự đồng bộ cơ sở vật chất từ nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, đồng thời cũng bảo đảm hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo môi trường giáo dục tiên tiến với quy hoạch theo mô hình một “làng” của trí tuệ, công năng hiện đại. “LĐH hằng năm sẽ cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn cán bộ khoa học có chất lượng cao, đồng thời sẽ là nhân tố quan trọng tạo sự thay đổi về kết cấu văn hóa, trước hết cho hai địa phương Đà Nẵng-Quảng Nam và cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, GS Trần Văn Nam khẳng định.

“Chúng tôi đang mơ ước về một LĐH, một “thánh đường tri thức” - nơi thu hút không chỉ người học mà còn cả các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hoạt động giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khi vào đó, các trường thành viên và mỗi giảng viên, sinh viên sẽ kết nối để trở thành một tập thể duy nhất, hỗ trợ nhau về mọi mặt, kể cả quản lý và nghiên cứu, giảng dạy. Để làm được điều này cần có sự quy hoạch cụ thể, đạt chuẩn ngay từ đầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các thư viện, phòng thực hành, phòng nghiên cứu hiện đại, tiện lợi và ưu việt”, TS Nguyễn Mạnh Toàn nói.

Bài và ảnh: MAI TRANG – PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.