Vài năm trở lại đây, chatbot (còn được gọi là “hệ thống trả lời tự động” hay “trợ lý ảo”) trở thành một trào lưu công nghệ khắp thế giới. Với hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép máy tính giao tiếp cùng con người, chatbot không chỉ dừng lại ở mục đích giải trí, thương mại, mà còn có tiềm năng được Đà Nẵng ứng dụng vào hệ thống dịch vụ công của thành phố.
Minh họa giao diện của chatbot trên điện thoại di động. |
Từ “chú gà con” đến “phù thủy ảo”
Năm 2016, ứng dụng chatbot đầu tiên “lộ diện” tại Đà Nẵng với hình dạng… chú gà mang tên Sumi. Để sử dụng ứng dụng này, người dùng Internet chỉ cần tìm tên chú gà trên Skype (phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí - PV) rồi bắt đầu trò chuyện. Do được tích hợp trí tuệ nhân tạo, Sumi có thể đáp lại các câu chào hỏi, đùa vui và trả lời những câu hỏi cơ bản về giờ giấc, thời tiết. Tác giả của chú gà này là nhóm cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) gồm: Nguyễn Minh Đức, Phạm Quốc Huy và Dương Phước Thiện.
Ý tưởng về chú gà Sumi đến với nhóm từ một hội nghị trực tuyến của Microsoft năm 2016. Lần đầu tiên Đức, Huy, Thiện tìm hiểu kỹ về chatbot và trí tuệ nhân tạo. Ngay trong hôm đó, Sumi đã được thai nghén và ra đời trên Skype, những người sử dụng đầu tiên chính là đồng nghiệp trong công ty của Đức.
Nguyễn Minh Đức kể, có lúc Sumi nhận được gần 1 triệu đoạn hội thoại, chủ yếu là các bạn trẻ. Nhóm chàng trai tiếp tục “chuyển” chú gà sang ứng dụng nhắn tin của Facebook. Ngay trong ngày đầu tiên, chú gà thu hút đến 10.000 người sử dụng. “Chính con số này làm mình suy nghĩ nghiêm túc về việc dùng Sumi vào các mục đích cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở việc tán gẫu”, Đức nói. Từ đó, Sumi trở thành kênh chuyện trò với tuổi teen, đi kèm một số dịch vụ như: đọc báo, tư vấn điểm ăn uống, chỉnh sửa ảnh, thậm chí là… bói vui.
Trong thời gian được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo, Sumi đã tăng số người dùng từ 10.000 lên đến 1 triệu, chủ yếu ở độ tuổi 13-17. Nhóm ba cựu sinh viên thành lập công ty khởi nghiệp về chatbot và trí tuệ nhân tạo Hekate được xem là một trong những công ty tiên phong về chatbot và ứng dụng chatbot tại Việt Nam. Với mô hình tiếp thị liên kết, hiện Hekate là đối tác của nhiều “ông lớn” thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Alibaba…, và đã được chọn vào các chương trình tăng tốc, hỗ trợ của Facebook, Microsoft.
Ứng dụng vào dịch vụ công
Bên cạnh các ứng dụng quảng cáo, tiếp thị (đối với doanh nghiệp), thông tin, giáo dục (thường thấy nhất là dạy học ngoại ngữ), lĩnh vực quản lý công cũng đang được chính phủ một số nước áp dụng công nghệ chatbot nhằm nâng cao hiệu quả tương tác và phục vụ người dân. Nắm bắt xu hướng này, đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã làm việc với công ty Hekate và một số sở, ngành liên quan để thảo luận về việc ứng dụng chatbot vào chính quyền điện tử.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhận định, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn, nổi bật nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cần phương tiện cung cấp thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp và du khách. Ngoài ra, ngay cả khi không tổ chức sự kiện, người dân cũng cần được cung cấp các thông tin chung về giao thông, chính sách, du lịch… của thành phố. “Tổng đài dịch vụ công trong tương lai sẽ quá tải. Trong khi đó, phương án tăng số máy, tăng nhân viên không phải là tối ưu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết.
Nếu được triển khai tốt, chatbot có thể trở thành một kênh cung cấp tin tức, thông tin sự kiện, nội dung quảng bá kịp thời và hợp lý nhất. Ngay khi thông tin được phát hành, chatbot sẽ lập tức đẩy thông báo lên các thiết bị kết nối mạng của người dùng. Đồng thời, vì biết chính xác bối cảnh (như vị trí địa lý, sở thích người dùng), chatbot còn có thể cung cấp thông tin mà người dùng thật sự quan tâm.
Với hệ thống trí tuệ nhân tạo, chatbot cũng có khả năng tiếp nhận lượng lớn yêu cầu của người dân trong cùng một lúc, cũng như phản hồi yêu cầu vào bất kỳ thời điểm nào. Đây cũng chính là một trong những cách giảm tải cho nhân viên của các trung tâm hỗ trợ thông tin, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu tương tác của người dân tăng cao.
Tại buổi làm việc nói trên, lãnh đạo thành phố đã thống nhất trong thời gian tới sẽ chuẩn bị cho việc triển khai chatbot vào công tác hỗ trợ du khách, thông tin cho sự kiện và hỗ trợ tổng đài dịch vụ công; trong đó, phải luôn bảo đảm an ninh thông tin, kiểm soát chất lượng ứng dụng chặt chẽ.
Nhiều nước trên thế giới đã chọn thử nghiệm công nghệ chatbot với các phạm vi ứng dụng khác nhau. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nhà Trắng sử dụng chatbot để nhận thư đệ trình của người dân lên Tổng thống. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng dùng chatbot trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 để trả lời các câu hỏi của cử tri. Cảnh sát Hà Lan thử nghiệm chatbot để tiếp nhận đơn thư, phản ánh và tố giác của người dân. Singapore dùng chatbot vừa để đại diện cho các bộ tương tác với người dân, vừa cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. |
KHANG NINH