Chiếc máy dạy học thông minh dành cho người khiếm thị do Nguyễn Duy Hùng (lớp 13D1, chuyên ngành Tự động hóa, khoa Kỹ thuật điện-Điện tử, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) sáng chế được đánh giá cao bởi có thể ứng dụng vào việc hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên và đưa vào thư viện các trường chuyên biệt để người khiếm thị có thể tự học một cách chủ động hơn, đỡ phụ thuộc vào người dạy như trước đây.
Nguyễn Duy Hùng, tác giả của chiếc máy dạy học thông minh dành cho người khiếm thị. Ảnh: CD |
Chiếc máy dạy học thông minh dành cho người khuyết tật này là một trong những thiết bị nghiên cứu, sáng tạo mới nhất của Duy Hùng. Trước đó, bạn đã chế tạo một số sản phẩm công nghệ như: hệ thống tự động gọi món ăn ở nhà hàng thông qua thực đơn điện tử kết nối không dây, mô hình xử lý nước thải dệt nhuộm... Mới đây, sau chuyến đi tình nguyện ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hùng nhận thấy khát vọng được học tập của người khiếm thị rất lớn. Hùng bỏ ra nhiều ngày tìm hiểu phương pháp học tập của các em học sinh học hệ thống chữ nổi (Braille) và tập trung nghiên cứu, lắp đặt chiếc máy chỉ trong vòng một tháng. Bạn mong muốn nhân rộng thiết bị học tập đến với các trường chuyên biệt và gia đình có con em bị khiếm thị. “Với sản phẩm này, mình tin rằng những người không có ánh sáng cũng sẽ được học tập và trở thành người có ích cho xã hội”, Duy Hùng chia sẻ.
Thiết kế của máy gồm 1 bảng viết và 1 cây bút, 1 module tự nổi chữ trên mặt thiết bị, 1 bàn phím tính toán gồm 16 nút nhấn ứng với các con số và phép tính. Hùng cho biết thêm, nguyên lí hoạt động của thiết bị gồm bộ vi điều khiển giúp nhận dạng và xử lý tín hiệu giọng nói để kích mở các kí tự nổi. Bên cạnh đó để thực hiện các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia), bộ khuếch đại và loa phát tín hiệu dưới dạng âm thanh về chữ cái, con số, dấu, kết quả phép tính, thời gian để người học dễ dàng nhận biết. Cùng với hệ thống tự hiện chữ nổi làm nổi các ký tự tương ứng với tín hiệu nhận được từ micro thu giọng nói của người sử dụng thiết bị.
Chiếc máy học tập gồm 5 tính năng: cảm chữ và nhắc chữ, luyện viết, tính toán, xem đồng hồ, giải trí. Nhằm giúp người học chủ động hơn trong việc tự học và không phụ thuộc nhiều vào giáo viên, phụ huynh, Duy Hùng đã phát triển thêm nhiều tính năng hỗ trợ tính toán với các phép tính có nhiều chữ số. Sau khi nhập số liệu vào máy, kết quả phép tính sẽ tự phát ra bằng âm thanh. Ngoài ra, Hùng nhận thấy người khiếm thị luôn muốn biết thời gian trong sinh hoạt của mình nhưng lại không thể nhìn thấy đồng hồ nên đã thiết kế thêm chiếc núm xoay chuyển chế độ phát ra âm thanh báo giờ. Chiếc núm xoay chuyển này cũng giúp người học giải trí bằng chế độ nghe nhạc, học chữ cái tiếng Anh qua bài hát.
Chiếc máy học tập sau khi được lắp đặt hoàn chỉnh với kinh phí khoảng 1,5 triệu đồng, Hùng lấy tiền học bổng của mình để mua linh kiện. Để sớm hoàn thành thiết bị, Duy Hùng kể phải ở lại cả tuần tại phòng nghiên cứu khoa học của trường và chỉ ăn mì gói. Hiện nay sản phẩm được đưa vào thí nghiệm tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và Hùng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để khắc phục những chi tiết thô sơ bên ngoài.
CẨM DUYÊN