Hàng loạt công ty đa quốc gia bị dính mã độc "tống tiền" Petya

.

Một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc với quy mô lớn lại xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Mã độc "tống tiền" Petya, có tác hại tương tự mã độc WannaCry lại tái xuất dưới phiên bản mới là "Petrwrap" và tấn công nhiều hệ thống máy tính trên toàn cầu, với những thiệt hại ban đầu được ghi nhận tại các nước Ukraine, Nga, Anh và Ấn Độ.

WPP - Công ty quảng cáo lớn nhất của Anh cũng cho biết hệ thống máy tính tại nhiều đại lý của công ty này đã bị mã độc Petrwrap tấn công ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
WPP - Công ty quảng cáo lớn nhất của Anh cũng cho biết hệ thống máy tính tại nhiều đại lý của công ty này đã bị mã độc Petrwrap tấn công ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan công nghệ thông tin của Chính phủ Thụy Sĩ cho biết nhiều dấu hiệu cho thấy mã độc Petya một lần nữa lại bị phát tán, tấn công vào lỗ hổng dịch vụ SMB trên các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows.

Hiện chưa có thông tin chính thức nào cho thấy các công ty của Thụy Sĩ bị ảnh hưởng bởi mã độc này, tuy nhiên, hệ thống máy tính của Chính phủ Ukraine, cùng một số ngân hàng của Ukraine và Nga, hệ thống siêu thị khổng lồ Auchan và sân bay Boryspol lớn nhất của Ukraine; hãng mỹ phẩm Nivea và hãng sản xuất kẹo Socola Alpen Gold tại Nga đã bị dính mã độc trong một đợt tấn công mạng mới.

Riêng Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã phải chuyển sang hệ thống mạng dự phòng đối với các quy trình sản xuất, sau khi bị mã độc tấn công.

Hãng vận tải biển Đan Mạch Maersk, tập đoàn công nghiệp Pháp Saint-Gobain cũng nằm trong số những công ty lớn bị tấn công.

WPP - Công ty quảng cáo lớn nhất của Anh cũng cho biết hệ thống máy tính tại nhiều đại lý của công ty này đã bị tấn công và hiện các chuyên gia mạng đang đánh giá tình hình để đưa ra những biện pháp thích hợp nhất để khắc phục.

"Petrwrap," virus mới của những vụ tấn công trên được các chuyên gia nhận định là bản cải tiến của Petya, mã độc là thủ phạm tấn công hệ thống máy tính toàn cầu năm 2016.

Cũng như WannaCry "làm mưa gió" thế giới hồi tháng trước, đây là loại mã độc thuộc dòng "tống tiền," lây lan qua các liên kết độc hại và ghi đè có chủ đích lên tập tin quản lý khởi động hệ thống của thiết bị (MBR) để khóa người dùng khởi động.

Nếu bị dính mã độc, người dùng sẽ được hướng dẫn để thực hiện việc trả tiền chuộc cho tin tặc bằng tiền ảo bitcoin./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
.
.
.
.
.