Dạy công nghệ thông tin miễn phí cho học sinh nghèo

.

Có mặt tại Đà Nẵng từ năm 2010, tổ chức Passerelles numériques Việt Nam (PNV) đã đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) miễn phí cho hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung. Nhiều em nay là kỹ sư, lập trình viên… tại các công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Các học viên PNV tham gia buổi huấn luyện về quy trình Scrum (dùng để quản lý quá trình phát triển sản phẩm phần mềm).
Các học viên PNV tham gia buổi huấn luyện về quy trình Scrum (dùng để quản lý quá trình phát triển sản phẩm phần mềm).

Nguyễn Thị Là (SN 1993) từng là học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang). Gia cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, Là chuẩn bị tinh thần… ở nhà lấy chồng, con đường học hành xem như bỏ dở. Cô học trò nhỏ lúc ấy phải giấu nỗi buồn và nước mắt để không làm phiền lòng cha mẹ, dẫu chưa lúc nào niềm đam mê đi học trong Là nguội tắt.

Năm 2011, thông qua Hội Khuyến học Đà Nẵng, Là được nhà trường giới thiệu với tổ chức PNV để học CNTT miễn phí. Hiện Là làm nhân viên kiểm thử sản phẩm phần mềm của Công ty Sioux (Đà Nẵng). “Nhìn lại, mình không nghĩ mình may mắn đến vậy. Được đi học tiếp như một bước ngoặt lớn trong đời mình”, Là chia sẻ.

Được thành lập từ năm 2005, PNV là tổ chức phi chính phủ của Pháp, hoạt động ở 3 quốc gia châu Á là Campuchia, Philippines và Việt Nam. Tại Việt Nam, PNV có mặt ở Đà Nẵng năm 2010, chuyên đào tạo nghề và tìm việc làm miễn phí trong lĩnh vực CNTT cho học sinh 7 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Quảng Bình đến Kon Tum).

Với hai bậc đào tạo trung cấp và cao đẳng, hiện PNV hỗ trợ hơn 200 học viên có gia cảnh khó khăn. Chị Võ Hoàng Thu Trang, Trưởng bộ phận quan hệ đối ngoại PNV cho biết: “Mỗi năm, PNV đến các vùng sâu, vùng xa tại miền Trung để tuyển sinh. Ở nhiều nơi, khái niệm CNTT đối với các em chỉ dừng lại ở Facebook, lướt web… Các em gần như không có định hướng nghề nghiệp, có thể học “đại” bất kỳ ngành nào, miễn là học phí rẻ hoặc không có học phí”.

Thông qua bài kiểm tra năng lực (gồm các môn Toán, Logic, tiếng Anh cơ bản và phỏng vấn), PNV tuyển chọn những học sinh gia cảnh khó khăn nhưng có quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao để đào tạo, hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở trong quá trình học.

Với đội ngũ 9 giáo viên cơ hữu, PNV đào tạo cho các học viên về lý thuyết và thực hành CNTT, tiếng Anh và kỹ năng mềm (cách trả lời phỏng vấn, viết thư điện tử, thuyết trình, làm việc nhóm, viết thư xin việc…).  Học viên có 2 năm học chuyên ngành CNTT tại Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng và nhận bằng trung cấp sau khi tốt nghiệp. Từ năm 2016, PNV phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ xây dựng chương trình giảng dạy kéo dài 3 năm, giúp học viên lấy được bằng cao đẳng.

Chương trình tập trung chủ yếu vào phát triển phần mềm trên ngôn ngữ Java và PHP với nền tảng web, di động thông qua thực hành các dự án thực tế. Trong thời gian học, học viên có cơ hội thực tập tại công ty công nghệ để tìm hiểu môi trường làm việc thực tế.

“Mục tiêu cuối cùng của PNV là giúp các em có việc làm để thoát nghèo, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế-xã hội của địa phương. Có lẽ đến thời điểm này, học viên của PNV đã có mặt ở hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu ở Đà Nẵng như FPT, Axon Active, MagRabbit, AsNet, Gameloft, Toàn cầu xanh, SeaDev…”, chị Trang chia sẻ.

Đặc biệt, khi học tập tại PNV, các học viên cùng nhau sinh hoạt tại ký túc xá, tự làm chủ và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Cựu học viên Đỗ Thị Luyến (hiện là nhân viên Công ty TPP-FIT Đà Nẵng) tâm sự: “Đây cũng là khoảng thời gian em có những kinh nghiệm sống. Đối với em, PNV không chỉ là những kỷ niệm khó quên mà còn là ngôi nhà để em luôn có thể trở về”. Hội cựu học viên PNV hiện lên đến 163 người. Sau khi tốt nghiệp, nhiều em quay trở về để hỗ trợ các học viên mới trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm…

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.