Những năm gần đây, công nghệ thực tế ảo (VR) dần trở nên phổ biến tại Việt Nam với các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ giải trí, thể thao đến y học, giáo dục. Tại Đà Nẵng, một số trường đại học (ĐH) bắt đầu ứng dụng VR trong công tác nghiên cứu và dạy học.
Với mô hình cơ thể người 3D, sinh viên có thể tải phần mềm phiên bản 2D về máy tính để tự học mọi lúc mọi nơi. |
Từ học giải phẫu người...
Một buổi học môn Giải phẫu tại khoa Y (Trường ĐH Duy Tân), các sinh viên (SV) chăm chú nhìn vào mô hình bộ xương người đang hiển thị trên chiếc màn hình lớn. Qua lăng kính 3D, hệ xương với 254 mô hình xương được mô tả chi tiết này trở nên sống động như thật, người đeo kính thậm chí có thể bóc tách từng bộ phận ra được.
Đây là một phần trong công trình thực tế ảo 3D về cấu tạo cơ thể người của nhóm giảng viên Trường ĐH Duy Tân, từng đoạt giải nhất cuộc thi “Trí thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Toàn bộ công trình là các mô hình 3D cho các hệ cơ quan trong cơ thể người; gồm hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn,…
Mỗi mô hình có kích thước tương đương người thật. Đặc biệt, cơ thể người ảo này có thể phản hồi sinh học tự nhiên như một thực thể sống. Khi thực hành mổ trên mô hình, mũi dao đưa tới đâu, nhịp tim và huyết áp của mô hình thay đổi tới đó. ThS. Lê Văn Chung, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:
“Năm 2013, ý tưởng xây dựng mô hình cơ thể người 3D đến với tôi sau khi được tiếp cận với những dụng cụ dạy học tiên tiến của các nước phát triển. Nhìn lại cơ sở vật chất của mình lúc ấy mới thấy sự vất vả của thầy trò ngành y, dược. Chỉ riêng môn Giải phẫu, muốn học hiệu quả thì phải có xác người, mà “tài nguyên” này không phải lúc nào cũng có sẵn. Thầy trò nhà mình đa phần học với tiêu bản hoặc hình ảnh trên giấy, rất thua thiệt so với nhiều nước khác”.
Từ suy nghĩ đó, anh Chung và các đồng nghiệp bắt đầu hành trình nghiên cứu cả về kiến thức y khoa lẫn công nghệ. Công trình được các nhà khoa học, giảng viên y, dược tại các trường ĐH và bệnh viện lớn trong nước hỗ trợ và thẩm định nên bảo đảm độ chính xác về dữ liệu.
Hiện nay, mô hình cơ thể người 3D đã được Trường ĐH Duy Tân đưa vào giảng dạy trong nhà trường với sự hỗ trợ của phòng thực nghiệm 3D. Công trình cũng có phiên bản 2D, cho phép SV tải về máy tính để tự học. Anh Chung cho biết, trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển công trình, xây dựng phòng mổ nội soi 3D, tạo ra bệnh nhân ảo với các tình huống bệnh thường gặp để SV có cơ hội quan sát, trải nghiệm.
Đến xây dựng mô hình trường ảo
Trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của SV khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) vào tháng 5 vừa qua, Nguyễn Phúc Hảo và Nguyễn Văn Tấn Đạt (SN 1994) đã gây bất ngờ vì… mang hẳn chiếc kính HoloLens (kính thực tế ảo của Microsoft, có giá khoảng 80 triệu đồng) lên phục vụ thuyết trình đồ án.
Đeo chiếc kính to che hết mắt, Hảo chỉ tay vào chiếc bàn trước mặt và nói: “Trên mặt bàn chính là mô hình Trường ĐH Bách khoa của chúng ta”. Mọi người ngỡ ngàng vì… không ai nhìn thấy mô hình nào cả. Tuy nhiên, khi Hảo đưa chiếc kính cho các thầy cô giáo trong hội đồng bảo vệ đồ án sử dụng, mô hình lại hiện ra một cách “kỳ lạ”. Chiếc kính là một phần không thể thiếu trong công trình “Ứng dụng thực tế lai (MR) khám phá mô hình Trường ĐH Bách khoa với kính HoloLens”.
Hai chàng SV đã lập trình để khi đeo chiếc kính vào mắt, một bản đồ 3D của ngôi trường sẽ hiện ra, đồng thời người dùng có thể tương tác với mô hình. Hảo chia sẻ, khi đang thực tập tại một công ty công nghệ cao ở Đà Nẵng, Hảo lần đầu tiếp cận với chiếc kính “đắt đỏ” HoloLens và được gợi ý thực hiện đồ án tốt nghiệp liên quan đến thực tế ảo. Cùng với Đạt, Hảo bắt đầu tìm hiểu về loại hình công nghệ này và phát hiện ra nhiều ứng dụng thú vị trên thế giới. “Tuy vậy, ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Nẵng, thực tế ảo vẫn chưa phổ biến. Vì vậy, chúng em muốn thử sức mình với một cái mới, xem như là vừa làm, vừa học”, Hảo nói.
Hảo và Đạt tự mày mò tìm hiểu để tạo lập mô hình 3D mô phỏng chính ngôi trường hai SV đang theo học với bộ công cụ thực tế ảo của Microsoft. Sau hơn hai tháng, mô hình hoàn thiện ra đời, người dùng có thể chạm vào từng tòa nhà để thực hiện các lệnh phóng to hoặc thu nhỏ, xoay 360 độ, yêu cầu thông tin giới thiệu tổng quát,…
TS. Huỳnh Hữu Hưng, Phó khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách Khoa) nhìn nhận: “Đồ án này là một trong những nghiên cứu khoa học đầu tiên của SV có liên quan đến thực tế ảo tại Trường ĐH Bách khoa. Hy vọng, đây cũng là một “bước đà” để các thế hệ SV về sau nghiên cứu về loại hình công nghệ với nhiều ứng dụng rộng rãi này cũng như chủ động theo đuổi, tìm hiểu các công nghệ mới khác trong tương lai”.
Bài và ảnh: KHANG NINH