Không gian sáng chế ở Đại học Đà Nẵng

.

Không gian sáng chế vừa ra đời tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã giúp nhiều sinh viên (SV) hiện thực hóa ý tưởng trong nghiên cứu khoa học (NCKH).

Nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên Trường Đai học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có tính ứng dụng cao được doanh nghiệp lựa chọn đặt hàng.
Nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên Trường Đai học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có tính ứng dụng cao được doanh nghiệp lựa chọn đặt hàng.

Nguyễn Trần Phước, SV năm thứ 5 của Trường Đại học Bách khoa cùng 3 SV của trường vừa hoàn thành đề tài Hệ thống bảo mật thông minh để tham gia cuộc thi SV NCKH năm 2017. Mục đích của nhóm là tạo ra hệ thống khóa bảo mật thông minh giá rẻ, tăng cường khả năng chống xâm nhập bằng các ứng dụng của kỹ thuật.

Phước cho biết, để hoàn thành đề tài, nhóm nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, theo Phước, khó khăn của SV trong NCKH hiện nay là nếu làm đề tài trong trường thì không được làm ngoài giờ hành chính và trang thiết bị cũng chưa nhiều. Do đó, các bạn thường phải làm đề tài ở nhà rồi mang lên trường báo cáo cho thầy.

“Tụi em thiếu rất nhiều trang thiết bị ở nhà. Hơn nữa, kinh phí hạn chế nên rất khó mua được công cụ tốt để thực hành mà chủ yếu đi mượn. Bởi vậy, không gian sáng chế mở ở ĐHĐN là tin vui đối với những SV đam mê NCKH”, Phước bộc bạch.

Anh Lê Phước Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Học liệu và truyền thông thuộc Trường Đại học Bách khoa cho biết, SV nhà trường có rất nhiều sản phẩm sáng chế, mỗi năm có khoảng 30-40 đề tài NCKH.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng được ứng dụng và phát triển. Bởi vậy, đến với không gian sáng chế, các bạn sẽ được trải nghiệm, cọ xát với bạn bè cùng đang NCKH. “Trường Đại học Bách khoa cũng có CLB Khởi nghiệp để hỗ trợ SV. Tuy nhiên, CLB này không có đầy đủ trang thiết bị, không gian để sáng tạo... nên hoạt động NCKH của các bạn còn một số hạn chế”, anh Cường nói.

Không gian sáng chế là một phần quan trọng trong Dự án “Xây dựng liên minh các trường đại học và doanh nghiệp, thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ” kéo dài 5 năm, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Không gian sáng chế bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 8-2017, đặt ngay trong khuôn viên ĐHĐN với đầy đủ thiết bị hiện đại như: máy in 3-D, máy cắt laser, xưởng gỗ và kim loại (đủ các dụng cụ, công cụ hỗ trợ hiện đại).

Ngoài ra, còn có phần mềm thiết kế tiên tiến hỗ trợ cho ý tưởng sáng tạo. Ở đó, SV có thể rèn luyện kỹ năng sáng chế và sử dụng công nghệ mới bằng cách tự tay thiết kế, thử nghiệm và làm sản phẩm.

Theo ông Craig Hart, Phó Giám đốc USAID Việt Nam, không gian này được coi như một phòng thí nghiệm để SV có thể biến những lý thuyết đã học trên giảng đường về khoa học, công nghệ, kỹ thuật trở thành thực tiễn bằng những sản phẩm thử nghiệm cụ thể.

Đây là không gian sáng chế thứ hai USAID mở ở Việt Nam. Thông qua các không gian này, chúng tôi mong muốn SV có thể đóng góp vào sự tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ để phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Bá Hội, Phó trưởng Khoa Đào tạo quốc tế của ĐHĐN cho biết, đây là một địa chỉ cụ thể để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thường xuyên đến với không gian sáng chế để tham quan, tìm hiểu, phát hiện những sản phẩm thiết thực với người dân để đầu tư thương mại hóa các sản phẩm.

“Hiện nay có nhiều nhà đầu tư thường xuyên đến với không gian sáng chế như: Công ty Autodesk, Intel, National Instruments, Fablabs... Thiết bị hỗ trợ học cho người khiếm thị của SV Trường Đại học Bách khoa đã được các doanh nghiệp đặt hàng”, ông Hội nói.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN cho rằng, việc ra đời không gian sáng chế có cơ sở vật chất như hiện nay đã đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của các trường đại học trong việc có một không gian để SV thỏa sức sáng tạo, khởi nghiệp. Những sản phẩm đó sẽ mang lại lợi ích, đóng góp thiết thực hơn cho cuộc sống. “Việc truyền bá tri thức tại các trường đại học không thôi là chưa đủ mà phải tạo được môi trường thuận lợi để giảng viên, SV phát triển các hoạt động NCKH, sáng tạo ra tri thức”, GS.TS Trần Văn Nam nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.