Công nghệ

Đà Nẵng lần thứ 9 đứng đầu Vietnam ICT Index 2017: Người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất

08:35, 07/10/2017 (GMT+7)

Trong 12 năm Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam thực hiện đánh giá chỉ số “Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam” (Vietnam ICT Index), Đà Nẵng đã 9 lần đứng đầu cả nước. Đóng góp phần lớn trong thành quả này là hệ thống chính quyền điện tử phục vụ cho chính người dân và doanh nghiệp đang sinh sống, làm ăn trên địa bàn thành phố.

Việc Đà Nẵng liên tục dẫn đầu Vietnam ICT Index được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp. Ảnh: KHANG NINH
Việc Đà Nẵng liên tục dẫn đầu Vietnam ICT Index được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp. Ảnh: KHANG NINH

Theo báo cáo “Đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam” được công bố ngày 6-10, với tổng điểm 0,935/1, Đà Nẵng lần thứ 9 dẫn đầu Vietnam ICT Index toàn quốc, vượt xa TP. Hồ Chí Minh (0,692 điểm, xếp hạng 2) và Hà Nội (0,669 điểm, xếp hạng 3).

Vietnam ICT Index năm nay đánh giá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo 3 tiêu chí. Ở lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật CNTT (trong đó có hạ tầng kỹ thuật-xã hội và hạ tầng kỹ thuật - các cơ quan Nhà nước), Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với số điểm tối đa 1/1. Đối với hạ tầng nhân lực CNTT, Đà Nẵng đạt 0,869 điểm, xếp vị trí thứ hai sau Thanh Hóa (0,952 điểm). Đà Nẵng là một trong hai địa phương của cả nước đạt điểm tối đa trong chỉ số hạ tầng nhân lực - xã hội (xét về tỷ lệ các trường có đào tạo CNTT, tin học…).

Việc mở rộng các dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.
Việc mở rộng các dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.

Đối với công tác ứng dụng CNTT (gồm ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan và dịch vụ công trực tuyến), Đà Nẵng một lần nữa khẳng định vị trí của mình khi tiếp tục xếp hạng nhất với số điểm 0,94/1. Với 62,4% tổng số các dịch vụ công được trực tuyến hóa, Đà Nẵng đạt 0,94/1 điểm, xếp thứ hạng 3 toàn quốc.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, bắt đầu từ năm 2014, Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng chính quyền điện tử, tích hợp nhiều dịch vụ hành chính công như “một cửa liên thông”, phần mềm quản lý cán bộ - công chức, quản lý văn bản điều hành. “Trong 3 năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng cải tiến và hoàn thiện chính quyền điện tử. Đây không chỉ là công cụ phục vụ vận hành nội bộ giữa các cơ quan Nhà nước theo tiêu chí nhanh, bảo mật và đồng bộ, mà còn là nền tảng công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp và người dân Đà Nẵng”, ông Thanh nói.

Với nền tảng mã nguồn mở cho phép dữ liệu luôn sẵn sàng liên thông toàn hệ thống, chính quyền điện tử giúp công chức và người dân Đà Nẵng giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn. Theo ông Thanh, năm 2017 đánh dấu sự mở rộng phạm vi phục vụ của chính quyền điện tử, trong đó người dân và doanh nghiệp trở thành đối tượng trung tâm. Cụ thể, theo lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020, riêng trong năm 2017, thành phố cung cấp thêm khoảng 40 dịch vụ công trực tuyến mới. Từ năm 2018-2020, sẽ có khoảng 780 dịch vụ công nữa thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch… Ông Thanh cho biết: “Hiện nay, bộ máy trực vận hành chính quyền điện tử làm việc 24/24 giờ, bảo đảm thông tin, ứng cứu sự cố, cập nhật tính năng mới cho hệ thống”.

Ngoài ra, trong năm 2017, Đà Nẵng đã ra mắt nhiều ứng dụng tương tác trực tiếp với người dân và du khách. Tháng 5-2017, ứng dụng di động “Góp ý Đà Nẵng” ra đời, cho phép người dùng chụp hình để phản ánh, góp ý đến các cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý. Ngoài ra, nhằm phục vụ hành khách đi xe bus, ứng dụng Danabus được xây dựng giúp tra cứu hành trình, kiểm tra lịch hoạt động các tuyến xe. Trong lĩnh vực giao thông, thành phố đã mở rộng hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và camera giám sát lên khoảng 330 điểm…  

Việc chính quyền điện tử Đà Nẵng sử dụng phần mềm tự do có mã nguồn mở được đánh giá có hiệu quả khi địa phương làm chủ hoàn toàn hệ thống, không phụ thuộc vào hãng công nghệ nước ngoài, tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Đặc biệt, thành phố chú trọng sử dụng nguồn lực từ các chính các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương để xây dựng “Thành phố thông minh”. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sắp được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới, lần đầu tiên ứng dụng chatbot do một công ty khởi nghiệp Đà Nẵng phát triển được sử dụng để cung cấp thông tin du lịch, lịch trình hội nghị cho người dân và du khách thành phố.

Tại lễ công bố Vietnam ICT Index 2017, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ: Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ ban hành và triển khai các kiến trúc ứng dụng CNTT trong các ngành cụ thể, trong đó tập trung vào y tế và giáo dục. “Dựa trên một nền tảng, một chính sách và một hạ tầng thống nhất, Đà Nẵng sẽ xây dựng mạng lưới đa đối tác, đa ứng dụng tích hợp với chính quyền điện tử, phục vụ tổ chức và công dân tốt nhất có thể”, ông Thạch nói.

Hiện thành phố đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, trong đó chú trọng cập nhật và hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử, triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành để giảm giấy tờ cho tổ chức và công dân trong thực hiện thủ tục hành chính, triển khai khung kiến trúc chuyên ngành cho các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, lao động, du lịch. Ngoài ra, tiếp tục nhân rộng các ứng dụng thông minh đã đạt kết quả tốt trong quá trình thí điểm như: hệ thống giám sát và cảnh báo nguồn nước ao hồ, nguồn nước uống; camera giao thông thông minh; wifi công cộng…

3 thành phố đứng đầu Vietnam ICT Index 2017

Năm 2017:

Năm 2016:

Chú giải:
HTKT: Hạ tầng kỹ thuật
HTNL: Hạ tầng nhân lực
ƯD CNTT: Ứng dụng công nghệ thông tin

Năm 2017 là năm thứ 12 Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Index được thực hiện. Với chủ trương giữ nguyên chỉ tiêu trong thời gian ít nhất 3 năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng điều tra trong việc chuẩn bị số liệu và so sánh kết quả xếp hạng của các năm, hệ thống chỉ tiêu của năm 2017 được giữ nguyên như năm 2016, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về đánh giá, xếp hạng chính phủ điện tử. Cụ thể, ngoài các số liệu hạ tầng cơ bản, sẽ đánh giá độc lập các chỉ tiêu Chính phủ điện tử theo chuẩn mực quốc tế, phương pháp tính xếp hạng cũng đổi mới theo hướng đơn giản, minh bạch.

Vietnam ICT Index có những tác động tích cực đến hoạt động thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT của nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Nhiều Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng, đã tự xây dựng chỉ số đánh giá về CNTT.

* Anh Phạm Đức Linh, đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp Ylinkee (lĩnh vực xuất bản phần mềm, marketing kỹ thuật số): Vietnam ICT Index - cơ sở để thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp

Tôi rất vui trước thông tin Đà Nẵng đứng đầu Vietnam ICT Index 2017. Đây sẽ là cơ sở giúp thành phố thu hút đầu tư nước ngoài cho các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, với ưu thế cơ sở hạ tầng và môi trường sống tốt, Đà Nẵng cũng thu hút nhân sự về CNTT; nhờ đó, các startup (công ty khởi nghiệp) địa phương nâng cao được chất lượng nhân sự, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường ra quốc tế.

Việc Đà Nẵng mở ra chính quyền điện tử cũng giúp chúng tôi tiếp cận các dịch vụ công tốt mà không mất quá nhiều thời gian như kê khai thuế, nộp thuế dễ dàng, đơn giản..

* Ông Christian John Hunter (quốc tịch Úc), Giám đốc Công ty TNHH Pageworth: Cú hích cho công nghiệp phần mềm

Đà Nẵng đang phát triển nhanh trong lĩnh vực CNTT, cả về nhân sự lẫn cơ sở hạ tầng. Tôi hy vọng thành tích này của Đà Nẵng sẽ là một cú hích cho công nghiệp phần mềm. Để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố sẽ cần nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng các phần mềm ứng dụng. Đây là tiền đề để chúng ta dần vượt khỏi mức độ gia công, chuyển sang sáng tạo và phát triển.

* Anh Nguyễn Minh Đức, sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ Hekate (lĩnh vực lập trình máy vi tính): Các startup cảm thấy được coi trọng

Nhiều tỉnh, thành phố đều có mong muốn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng Đà Nẵng có lẽ là một trong số ít chủ động kêu gọi các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng tham gia xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Ứng dụng chatbot của Hekate đã được các sở, ngành thành phố quan tâm, đặt hàng, tạo điều kiện để giới thiệu với người dân và du khách thành phố. Điều này khiến các startup cảm thấy vị trí của mình được coi trọng, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục phát triển.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.