Việc nghiên cứu khoa học (NCKH), áp dụng các lý thuyết vào thực tiễn nghiên cứu được sinh viên các trường trên địa bàn Đà Nẵng hào hứng tham gia.
Một buổi nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. |
Khơi nguồn ý tưởng - chìa khóa thành công
Thực hiện Quyết định số 88 ngày 5-1-2017 của UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015” giai đoạn 2017-2018 và nâng cao khả năng NCKH, phát triển công nghệ từ những ý tưởng mới, độc đáo, sáng tạo của sinh viên, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Sinh viên NCKH với chủ đề “Khơi nguồn ý tưởng - Chìa khóa thành công”. Ông Nguyễn Duy Minh, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, cuộc thi nhằm tìm những giải pháp phục vụ nhiều mặt của đời sống xã hội cũng như nâng cao khả năng học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Với 43 đề tài từ nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, Hội đồng giám khảo đã làm việc khách quan và công tâm để chọn 7 đề tài đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất,1 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Trong số các đề tài tham gia, có những đề tài mang tính ứng dụng cao, có thể được đầu tư phát triển, bồi dưỡng và hỗ trợ hiện thực hóa các sản phẩm áp dụng thực tiễn.
Sinh viên Mai Thị Thanh Mai (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), cho biết, xuất phát từ thực trạng các nhà máy chế biến thủy sản thải ra lượng máu cá rất lớn - nguồn phế liệu giàu protein cũng có thể thu hồi làm thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ hoặc bổ sung dinh dưỡng cho môi trường nuôi cấy vi sinh vật, Thanh Mai thực hiện đề tài “Nghiên cứu các phương pháp thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm” nhằm thu hồi lại lượng protein trong máu cá, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chinh phục tri thức
Tuy nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, cộng thêm sự hướng dẫn của các giảng viên dày dặn kinh nghiệm, nhưng sinh viên cũng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn đề tài, tìm tài liệu và đặc biệt là khó khăn về vấn đề kinh phí. Vì vậy, cần sự hỗ trợ đúng mức để sinh viên có thể thực hiện công trình nghiên cứu; cần sự chung tay từ phía doanh nghiệp trong việc “đặt hàng” những đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao, từ đó có thể nhân rộng và áp dụng vào thực tiễn.
Có thể thấy NCKH là quá trình dài; mỗi sinh viên phải được trang bị nền tảng tri thức vững vàng, biết tìm hiểu và đào sâu kiến thức chuyên môn, thực hiện công việc nghiên cứu một cách khoa học, đúng quy trình… để mang lại đề tài NCKH vừa chặt chẽ về nội dung, vừa đúng đắn về phương pháp. Để làm được như vậy, nhà trường và sinh viên cần có bước đột phá mới, phải trang bị kiến thức về NCKH cho sinh viên ngay từ những năm đầu của chương trình đại học.
Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng để đầu tư hơn nữa về quy mô cũng như chất lượng của cuộc thi. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ hỗ trợ sinh viên hoàn thiện sản phẩm, kết nối ý tưởng hay, có tính sáng tạo với doanh nghiệp để có thể thương mại hóa sản phẩm vào thực tiễn.
Với mong muốn tìm các giải pháp góp phần xây dựng “Thành phố 4 an”, những cuộc thi sinh viên NCKH đã khích lệ tinh thần NCKH, ứng dụng công nghệ mới và luôn luôn sáng tạo của sinh viên; từ đó có thể áp dụng rộng rãi vào đời sống cũng như sản xuất…
Bài và ảnh: TRẦN HIẾU