Những năm tháng vô tư với tăng trưởng không bị quản lý, không bị đánh thuế của gã khổng lồ công nghệ sắp kết thúc. Facebook dự kiến sẽ tăng 46% doanh thu và tăng gấp đôi thu nhập ròng, nhưng đừng nhầm lẫn: Công ty đã có một năm tồi tệ.
Bất chấp kết quả tài chính tốt, gã khổng lồ truyền thông xã hội sẽ phải đối mặt với sự phán xét trong năm 2018, khi các nhà quản lý thắt chặt quy định trên nhiều mặt trận.
Vấn đề chính đánh thẳng vào cốt lõi của công ty: Thay vì "xây dựng cộng đồng toàn cầu," như nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã nói về sứ mệnh của Facebook, mạng xã hội này đang "xé toạc bức tranh xã hội."
Đó là những lời của Chamath Palihapitiya, cựu phó chủ tịch của Facebook dành cho tăng trưởng người dùng. Ông không cho phép con cái mình dùng Facebook vì không muốn lũ trẻ trở thành nô lệ của "những vòng lặp phản hồi ngắn hạn, bị dopamine chi phối."
Chỉ trích của Palihapitya phản ánh cùng quan điểm với chủ tịch đầu tiên của Facebook, Sean Parker: "Nó thực sự thay đổi quan hệ của bạn với xã hội, quan hệ giữa người với người theo nghĩa đen... Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với đầu óc con cái của chúng ta."
Facebook đã phản ứng một cách lo lắng với những cáo buộc của Palihapitya, cho rằng ông chưa làm việc đủ lâu ở công ty (ông ra đi vào năm 2011) và không hề biết đến những sáng kiến gần đây của Facebook.
Nhưng với những người ngoài và các nhà quản lý, Facebook vẫn giống như một nhà cung cấp nguy hiểm, mang đến sự hài lòng tức thời trong một không gian đột nhiên đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xã hội. Nó cũng đang khiến sự lạm dụng và gây hấn trở nên quá dễ dàng - một điều mà Ủy ban Các tiêu chuẩn Đời sống xã hội của Anh đã chỉ ra trong một báo cáo mới công bố hôm thứ Tư vừa qua.
(Nguồn: TechSpot) |
Gióng lên một trong những hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất về truyền thông xã hội tính đến nay, ủy ban này đã hối thúc Thủ tướng Anh ủng hộ các quy định luật pháp để "chuyển cán cân trách nhiệm pháp lý cho những nội dung bất hợp pháp sang cho các công ty truyền thông xã hội."
Mặc dù Facebook vẫn là nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, Google và Facebook cũng đang phải đối mặt với cùng áp lực từ các chính phủ ở Mỹ và châu Âu. Đức đã ban hành luật yêu các mạng xã hội phải gỡ bỏ ngay những phát ngôn thù ghét, nếu không họ sẽ phải đối mặt với các khoản phạt.
Ở Mỹ, những hoạt động gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã thúc đẩy việc giám sát hoạt động bán quảng cáo của Facebook và làm xuất hiện yêu cầu tăng minh bạch.
Thuế là một lĩnh vực khác mà các nhà quản lý, đặc biệt là ở châu Âu, đang nhắm tới. Facebook cũng như Google, ghi sổ sách hầu hết toàn bộ doanh thu không ở Mỹ của mình tại Ireland, nơi có thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp - và trả hầu hết số thuế này cho một thiên đường thuế. Cách làm này đã dẫn đến thuế suất hiệu dụng chỉ 10.1% cho Facebook trong quý III năm 2017.
Năm nay, các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, dẫn đầu Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha, đã kêu gọi áp thuế doanh thu lên các công ty công nghệ Mỹ để bù đắp lại việc trốn thuế của họ. Động thái tức giận này đã không đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi ở Liên minh châu Âu do Ireland và các nước khác lo sợ bị suy giảm kinh tế. Nhưng các quốc gia riêng lẻ đang hành động - đảng cầm quyền ở Italy đã hỗ trợ một kế hoạch giữ lại 6% trong bất kỳ hoạt động mua quảng cáo kỹ thuật số nào ở nước.
Thứ Ba vừa qua, Facebook đã thông báo sẽ bắt đầu ghi sổ sách doanh thu từ tiền bán quảng cáo lớn tại các quốc gia mà quảng cáo xuất hiện, thay vì tại Ireland. Tuy nhiên khi Facebook và Google kiểm tra cách tiếp cận này ở Anh, nó không dẫn đến một hóa đơn thuế cao hơn đáng kể, theo nhận xét của nhà kinh tế học Ireland Seamus Coffey.
Năm ngoái, Facebook Anh đã trả 2,6 triệu bảng Anh (tương đương 3,5 triệu USD) tiền thuế khi ghi sổ doanh thu 842 triệu bảng. Bởi dù ghi sổ sách doanh thu ở đâu, Facebook vẫn chỉ trả tiền quyền sở hữu trí tuệ nắm giữ ở những nơi xa hơn châu Âu, ví dụ như quần đảo Cayman.
Coffey không cho rằng kế hoạch mới này sẽ thay đổi đáng kể hóa đơn thuế chung của Facebook. Thay vào đó, nó sẽ tạo ra những dòng thu nhập nhỏ, giống như một sự lăng mạ với nhiều quốc gia muốn cải thiện việc thu thuế từ mạng xã hội này.
Facebook cũng đang tìm cách xua đi những lo ngại về các quảng cáo có vấn đề và các nội dung phản cảm bằng cách thuê 1.000 nhân viên đánh giá. Nhưng ngay cả nếu Facebook có thuê tới 100.000 người, họ vẫn sẽ gặp rắc rối với việc giám sát một biển nội dung ẩn danh của 2 tỷ người dùng, trong đó có một con số không xác định là do robot đăng tải và các nhóm gây mâu thuẫn được trả tiền gây ra.
Giải pháp rõ ràng là tăng cường chính sách người dùng của Facebook (trong đó nói rằng mọi người chỉ có thể được đăng bài viết bằng tên thật) và phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đăng lên. Nhưng điều đó sẽ khiến cơ sở người dùng của Facebook suy giảm, và là một sự báo động với các nhà đầu tư.
Cuộc tấn công thứ ba có thể sẽ sớm trở nên quan trọng, khả năng xảy ra trong năm tới. Cựu giám đốc Facebook Antonio Garcia-Martinez đã nói hồi đầu năm nay rằng hoạt động quảng cáo nhắm mục tiêu của Facebook dựa trên dữ liệu thu thập từ người dùng về cơ bản là phi đạo đức. Điều này cộng hưởng với quan điểm của các nhà chính trị - những người lo lắng về khả năng thao túng cử tri của các mạng xã hội - và những người ủng hộ sự riêng tư.
Ngay cả khi các quy định mới hạn chế việc thu thập dữ liệu và quảng cáo nhắm mục tiêu không được ban hành sớm, các tiêu chuẩn vẫn có thể sẽ có sự chuyển dịch nhờ nỗ lực của những cá nhân như Brendan Eich, người đã tạo ra Javascript và trình duyệt Firefox.
Công ty khởi nghiệp mới nhất của Eich tạo ra một trình duyệt có khả năng chặn hiệu quả mọi quảng cáo - và trong năm tới sẽ mang đến một mô hình quảng cáo hoàn toàn mới xây dựng trên việc chia sẻ doanh thu với đồng thuận với khách hàng.
Như thế, những năm tháng vô tư với tăng trưởng không bị quản lý, không bị đánh thuế của gã khổng lồ công nghệ sắp kết thúc.
Facebook có thể vẫn sẽ là một thế lực lớn trong thị trường về sự chú ý, đặc biệt là khi xét đến vị thế của nó trong thị trường ứng dụng tin nhắn và sự phổ biến của Instagram với những người trẻ tuổi. Công ty vẫn có thể tiếp tục đi ngược thủy triều và đưa ra những sự nhượng bộ vô nghĩa, nhưng con đường đó không phải bất tận.
Cuối cùng - và có lẽ sẽ sớm thôi - nó sẽ phải tuân theo các quy tắc và những thay đổi thái độ phổ biến sẽ làm giảm đi những tham vọng, và có lẽ buộc nó phải nghĩ lại về mô hình kinh doanh của mình.
Theo Vietnam+