Đã 10 năm kể từ ngày Steve Jobs giới thiệu chiếc điện thoại định mệnh làm thay đổi thế giới mãi mãi. Trải qua nhiều bước tiến vượt bậc, bạn không cần phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới có thể nhận ra những thay đổi hết sức rõ ràng này.
Chụp ảnh là một tính năng rất quan trọng. Thế nhưng, có một điều không biết từ bao giờ đã trở thành luật bất thành văn trong thiết kế của iPhone (mà theo như giám đốc mảng thiết kế của Apple Jony Ive thì điều đó đảm bảo cho một thiết kế tối ưu cho trải nghiệm sử dụng): đó là camera lồi.
Cũng có kha khá thế hệ đã vượt qua nỗi ám ảnh về thiết kế này. Và giờ, chúng ta có iPhone X, một bước tiến về camera vĩ đại hơn bao giờ hết (và cũng lồi hơn bao giờ hết...). Đây quả là lúc thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại quãng đường mà camera iPhone đã phát triển như thế nào để có được khả năng chụp ảnh tuyệt hảo như ngày hôm nay.
Mọi thứ cũng không nhảy vọt quá nhanh. Từ iPhone (2007) đến iPhone 5C (2013), cụm camera iSight chưa bao giờ lồi lên cả mà luôn phẳng lì trên mặt lưng của máy.
Tuy nhiên, đến thời iPhone 6 thì với một thiết kế siêu mỏng (6.1mm), mỏng nhất thời bấy giờ trong dòng iPhone như vậy thì việc cụm camera không thể được nhồi nhét vừa vào trong máy nữa cũng là điều khó tránh khỏi.
Không ai ưa một cụm camera lồi cả, cứ thử đặt chiếc iPhone của bạn lên bàn và dùng đi là bạn sẽ hiểu. Nhưng suy cho cùng thì điều này cũng chỉ vì một đích duy nhất, đó là đảm bảo được chất lượng hình ảnh mà không làm ảnh hưởng đến độ dày chung của thiết bị.
iPhone "2G" (2007)
Vào năm 2007, iPhone chỉ có mỗi camera sau với "số chấm" khá khiêm tốn là 2 megapixel. Độ phân giải của bức ảnh chỉ vỏn vẹn là 1600 x 1200 nhưng đây thực sự là một thông số khá ấn tượng vào thời đó đấy.
So với bây giờ, chiếc iPhone thế hệ đầu tiên này trông khá là dày, nhưng lỗ camera thì bé có tí xíu, mà cụ thể ở đây đường kính của nó chỉ tầm có 4,5mm.
iPhone 3G (2008)
iPhone 3G không có một nâng cấp nào về camera so với người tiền nhiệm cả. Vẫn là camera 2 megapixel nhưng đường kính của camera thì có vẻ đã được mở rộng thêm 0,5mm.
iPhone 3GS (2009)
Nhìn bề ngoài, cụm camera của máy trông có vẻ giống với iPhone 3G tiền nhiệm, tuy nhiên thực tế thì 3GS đã được nâng cấp với độ phân giải là 3 megapixel cùng khả năng quay phim VGA (640 x 480) 30fps.
Đó cũng là thế hệ iPhone đầu tiên hỗ trợ Auto Focus (AF: tự động lấy nét) và cân bằng trắng tự động. Tất nhiên là camera vẫn chưa bị lồi đâu nhé.
iPhone 4 (2010)
Vụ việc bỏ quên iPhone tại quán bar bởi một nhân viên Apple để rồi bị rò rỉ lên Internet đã khiến cho Steve Jobs lãnh một vố rõ đau. Đúng rồi, chính là iPhone 4 đó.
Chúng ta đã dần thấy được sự chú trọng, đầu tư về tính năng chụp ảnh kể từ thế hệ iPhone này. Camera sau được đẩy độ phân giải lên đến 5 megapixel, ngoài ra máy còn được trang bị đèn flash LED. Khả năng quay video cũng được cải thiện với khả năng quay HD 720p.
Đó cũng là lần đầu tiên Apple sử dụng hệ thống lens đa thành phần nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh. Sự thay đổi này cũng đã đẩy đường kính của cụm máy ảnh lên mức 6mm.
Và quan trọng hơn nữa, đó là máy cũng được trang bị camera trước để selfie và gọi điện video FaceTime. Camera trước tuy chỉ có 0.3 megapixel nhưng chí ít, nó cũng có khả năng quay video VGA 30fps.
iPhone 4S (2011)
Mặc dù mang tiếng chỉ là thêm chữ "S", thế nhưng phiên bản 4S này đã được đẩy độ phân giải camera sau lên đến 8 megapixel, thậm chí là đủ khả năng thay thế cả những chiếc máy ảnh PnS (Point and Shoot: ngắm và chụp; máy ảnh du lịch). Khả năng quay phim tất nhiên cũng được nâng cấp lên độ phân giải full HD.
Với việc được thêm thành phần thấu kính ( 5 thành phần, iPhone 4 có 4 thành phần) và Apple lần đầu tiên sử dụng con chip xử lý hình ảnh có sẵn trong vi xử lý A5 "nhà làm", 4S đã có tính năng nhận diện khuôn mặt trong chế độ chụp ảnh tĩnh cũng như hình ảnh được cho là sắc nét hơn 30% và màu sắc chính xác hơn khi so với iPhone 4. Khả năng chụp đêm của máy cũng được cải thiện đôi chút so với thế hệ trước.
Ống kính camera vẫn được giữ nguyên kích cỡ và vẫn phẳng như iPhone 4.
iPhone 5 (2012)
Mặc dù số chấm 8 megapixel như trên iPhone 4S vẫn được giữ nguyên, nhưng cảm biến máy ảnh thì đã được cải tiến để chụp thiếu sáng tốt hơn cũng như giúp máy chụp hình nhanh hơn. Sau 2 thế hệ camera trước với chất lượng chỉ VGA thì trên iPhone 5 độ phân giải đã được đẩy lên 1.2 megapixel giúp chúng ta thấy được nhiều chi tiết hơn trên khuôn mặt. Ngoài ra, Apple cũng thêm vào camera trước khả năng quay video HD 720p.
iPhone 5S (2013)
Đây cũng là thế hệ cuối cùng còn giữ được truyền thống camera phẳng. IPhone 5S vẫn giữ nguyên độ phân giải camera là 8 megapixel nhưng về khẩu độ thì đã được cải thiện từ f/2.4 lên f/2.2 giúp ảnh thu được nhiều ánh sáng hơn trong bối cảnh chụp đêm.
Flash cũng được nâng cấp từ đèn LED đơn thành đèn LED kép True Tone. Với hệ thống flash mới, người dùng có thể chụp hình bật flash với khả năng tái tạo màu sắc chính xác hơn chứ không như hệ thống LED đơn tiền nhiệm.
Hai tính năng mới khác trên camera của iPhone 5S nữa đó là khả năng quay slow-motion 120fps và khả năng chụp liên tiếp 10fps.
iPhone 5C (2013)
Ra mắt cùng đợt với iPhone 5S, 5C được cho là nhắm vào thị trường giá rẻ. Thực tế, máy chỉ đơn thuần là phiên bản iPhone 5 vỏ nhựa với nhiều tùy chọn màu sắc.
Máy có camera giống với iPhone 5, Và tất nhiên, vẫn không lồi!
iPhone 6 (2014)
Giờ thì chúng ta có "lồi" rồi đây. IPhone 6 là phiên bản iPhone đầu tiên sử dụng cụm camera lồi với độ lồi là 1mm so với độ dày chung của máy. Rất nhiều người đã không tài nào ưa nổi điều này.
Tuy nhiên cái "lồi" này đem lại cho chúng ta rất nhiều ưu điểm mặc cho "số chấm" vẫn được giữ nguyên là 8 megapixel và thấu kính vẫn là 5 thành phần như người tiền nhiệm. Không chỉ đem lại chất lượng hình ảnh sắc nét hơn và khả năng chụp đêm được cải thiện, khả năng quay video cũng có những nâng cấp sáng giá.
Quay video 60fps đã được thêm vào tùy chọn bên cạnh 30fps. Và khả năng quay slo-mo cũng được nâng cấp với số khung hình tăng lên gấp đôi là 240fps so với 120fps giúp chúng ta có được những thước phim chậm hơn.
iPhone 6 Plus (2014)
iPhone 6 Plus sử dụng chung cụm camera với iPhone 6 ngoại trừ 1 điểm: Chống rung quang học OIS.
OIS giúp giảm thiểu hiện tượng nhòe hình và video thường bị gây ra bởi rung tay.
iPhone 6S (2015)
Sau nhiều năm kiên trì với camera 8 "chấm", cuối cùng Apple cũng đã quyết định đi đến số 12 nhằm đem lại những hình ảnh khổ lớn hơn cũng như đem đến chất lượng cao hơn.
"Lồi" thì vẫn y như cũ, màu viền lồi được làm trùng với khung kim loại.
Camera 6S được trang bị thêm khả năng quay video 4K, độ phân giải ảnh chụp panorama lên 43 megapixel đến 63 megapixel, ngoài ra chúng ta còn có thêm tính năng Live Photos.
Camera trước cũng được cải tiến mạnh với độ phân giải từ 1.2 megapixel lên 5 megapixel. Máy còn hỗ trợ tính năng Retina flash mà cụ thể ở đây, màn hình của máy sẽ hiển thị màu trắng với độ sáng cao trước khi chụp selfie, giúp chúng ta có được màu da trông tự nhiên hơn.
iPhone 6S Plus (2015)
Cũng như iPhone 6 Plus, 6S Plus sỡ hữu camera giống hệt 6S nhưng được trang bị thêm chống rung quang học.
iPhone SE (2016)
SE là một chiếc iPhone khá lạ. Không chỉ sở hữu thân hình y hệt 5S mà đến camera còn là hỗn hợp lai giữa iPhone 5S và 6S.
Camera sau được bê từ iPhone 6S 12 megapixel sang, còn camera trước thì lại bê của 5S 1.2 megapixel.
Về mặt lý thuyết, dù với vẻ ngoài là 5S được tái thiết kế, nhưng SE mới thật sự là chiếc iPhone cuối cùng không có camera lồi.
iPhone 7 (2016)
Đến lúc này, cụm camera lồi không còn được bao quanh bởi viền kim loại nữa. Nhưng trên iPhone 7, Apple đã rất cao tay khi thiết kế camera lồi trông như hòa vào thân máy vậy. Vết lồi to hơn ( đường kính của mặt kính camera lên đến 7.6mm) nhưng trông máy dễ nhìn hơn rất nhiều dù khi bỏ lên mặt bàn thì máy cũng có phần chông chênh hơn.
Bên cạnh đó, việc trang bị thấu kính 6 thành phần cũng giúp ảnh chụp trông sắc nét hơn. Cuối cùng, Apple cũng chịu nâng cấp khẩu độ lên f/1.8 để bì kịp với những smartphone Android tốt nhất thời bấy giờ. Ngoài ra lần này Apple cũng không còn bỏ quên phiên bản iPhone nhỏ hơn nữa mà trang bị hệ thống chống rung quang học cho cả 2 loại thường và Plus.
Camera selfie cũng được tăng độ phân giải lên 7 megapixel.
iPhone 7 Plus (2016)
Một lần nữa, iPhone Plus series lại tiếp tục nhận được thêm vài đặc ân. Được trang bị camera thứ 2 (2x telephoto) bên cạnh camera chính, người dùng có thể dễ dàng phóng đến vật thể muốn chụp gần hơn gấp đôi chỉ với một cú nhấp đơn giản.
Bây giờ thì đã có khá nhiều người đồng tình với việc có một cái "lồi" trên máy để đánh đổi cho một chất lượng xóa phông chuyên nghiệp.
Ngoài ra với camera thứ 2, máy còn khả năng zoom kỹ thuật số lên đến 10x so với 5x của iPhone 7.
iPhone 8 (2017)
Chuyển sang sử dụng mặt lưng kính là một điều hợp lý với tính năng sạc không dây, nhưng điều đó cũng có nghĩa là cụm camera lồi giờ đây đã không thể một phần liền với thân máy được nữa. Apple sử dụng viền kim loại trở lại giống như iPhone 6S. Đường kính lồi cũng có phần nhỏ lại (9.6mm) và mỏng hơn nữa (0.75mm).
Trên iPhone 8, máy vẫn sử dụng cảm biến 12 megapixel khẩu độ f/1.8, nhưng có thêm tính năng flash đánh "đồng bộ chậm" giúp hình ảnh trông thật hơn. Thay vì phải chịu hiện tượng vùng thì sáng (vùng flash đánh tới) vùng thì tối (vùng flash không đánh tới), đồng bộ chậm giúp tiếp thêm ánh sáng đều cho các vùng và làm cho bức ảnh của bạn trông như là chụp không dùng flash vậy.
Về phần video, iPhone 8 được trang bị thêm tùy chọn quay ở khung 24fps và 60fps.
HDR cũng được cải thiện đến mức Apple tự tin đặt mặc định là Auto HDR và nếu muốn tắt tính năng này thì bạn phải vào cài đặt ứng dụng thì mới tắt đi được.
iPhone 8 Plus (2017)
IPhone 8 Plus cũng sở hữu camera giống với iPhone 8. Và một lần nữa, nó cũng được trang bị camera 2x mà người anh em bé nhỏ của nó không có.
Tất nhiên bạn vẫn sẽ có chế độ chân dung như 7 Plus, nhưng đồng thời bạn cũng có thêm một tính năng mới là Portrait Lighting giúp giả lập những ảnh sáng đèn như là chụp studio vậy.
Và cũng như 7 Plus, cụm camera lồi trên 8 Plus bự hơn 8 vì là cụm camera kép. Nhưng bất ngờ là nó lại nhỏ hơn đôi chút khi so với iPhone 7 Plus.
iPhone X (2017)
Và cuối cùng chúng ta cũng đã đến được iPhone X : chiếc iPhone với cụm camera vừa bự vừa lồi lại vừa trông không bình thường.
Lần đầu tiên, Apple kết hợp cụm camera kép cùng với đèn flash trên một cục... "u" vào mặt lưng của máy. Đây cũng là cục u lớn nhất trong các loại iPhone với kích cỡ cụ thể là: dài 24.19mm x rộng 11.7mm x dày 1.22mm.
Đây cũng là lần đầu Apple chuyển cụm camera kép từ hướng ngang sang hướng dọc thân máy.
iPhone X sở hữu cụm camera kép có thông số khá giống với iPhone 8 Plus. Chỉ có 2 điểm khác biệt duy nhất trên iPhone X đó là: camera 2x của iPhone X có khẩu là f/2.4 giúp chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn còn 8 Plus là khẩu f/2.8. Cũng như camera 2x của iPhone X có OIS còn 8 Plus thì không vậy.
Chưa hết, giờ đây ngay cả camera trước cũng có cả chế độ chân dung nhờ vào cảm biến TrueDepth nằm trong cái "tai thỏ".
Cái lồi trong tương lai
Dù bạn có mong chờ điều gì, thì có vẻ những cụm camera lồi này vẫn chưa thể biến mất sớm được đâu, ít nhất là cho đến khi các đối thủ của iPhone có khả năng làm tốt hơn họ đã.
Theo VnRview