Công nghệ sinh học với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

.

Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, trong đó ứng dụng công nghệ sinh học (CHSH) vào sản xuất, tạo đòn bẩy phát triển cho nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Việc ứng dụng này bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN).

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Vang. Ảnh: Thanh Thủy
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Vang. Ảnh: Thanh Thủy

Từ năm 2010 đến nay, Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện 24 nhiệm vụ KH&CN các cấp và 30 mô hình ứng dụng, chuyển giao liên quan đến ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và xử lý môi trường nông nghiệp.

Trong đó, có khoảng 10 nhiệm vụ ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp CNC. Các nhiệm vụ KH&CN tập trung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ từ khâu nhân giống đến sản phẩm thương phẩm các đối tượng cây trồng và vật nuôi có giá trị cao như một số cây dược liệu, hoa, nấm, rau, cây ăn quả và các mô hình chăn nuôi.

Hiện nay Sở KH&CN đang tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để triển khai các dự án KH&CN theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, làm tiền đề để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa và phát triển nông nghiệp hiện đại.

Qua đó, các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhất là CNSH đã từng bước giúp thành phố chủ động trong việc sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng đang là những đơn vị có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu CNSH và ứng dụng vào NNCNC, trong đó tập trung nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu (cây ba kích, nghệ vàng, cây hà thủ ô đỏ, cây đinh lăng, cây mật nhân, trinh nữ hoàng cung, sâm cau, kim tiền thảo …), cây hoa (cây hoa lan kim tuyến, lan gấm…), cây ăn quả (cây chuối, phúc bồn tử,…); ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao chiết xuất từ nấm như nấm linh chi, nấm bào ngư…

Nhiều quy trình công nghệ cũng đã được các đơn vị chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và nông dân.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, cần triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp CNC với sự tham gia của các doanh nghiệp nhằm tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm. Tìm kiếm sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực từ các Chương trình KH&CN quốc gia liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác với các nhà khoa học, các trí thức giỏi trong lĩnh vực CNSH cả về nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực CNSH cả về số lượng và chất lượng.

Việc hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, các doanh nghiệp CNSH trong và ngoài nước trong việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu CNSH cho thành phố Đà Nẵng cũng cần được chú trọng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu ứng dụng CNSH của thành phố được hợp tác, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nâng cao năng lực và tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nông nghiệp Đà Nẵng đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là CNSH vào từng mô hình sản xuất, chăn nuôi và chú trọng đến vấn đề xử lý, bảo vệ môi trường nông thôn. Điều này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và từng bước nâng cao đời sống nông dân trong thời gian đến.

Vũ Bích Hậu

;
.
.
.
.
.
.