Đồng hành với sinh viên nghiên cứu khoa học

.

Bắt đầu từ năm 2017, cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) thành phố Đà Nẵng” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Thành Đoàn tổ chức hướng đến mục tiêu trở thành “chiếc nôi” cho những dự án sáng tạo và thực tiễn của sinh viên (SV), tạo nền tảng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của thành phố.

Các nghiên cứu khoa học của sinh viên là nền tảng cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Các nghiên cứu khoa học của sinh viên là nền tảng cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Năm 2017, thực hiện định hướng của thành phố, cuộc thi “Sinh viên NCKH” đã được Sở KH&CN phối hợp với Thành Đoàn tổ chức, với chủ đề “Khơi nguồn ý tưởng - Chìa khóa thành công”. Trong vòng 4 tháng, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của hơn 150 sinh viên từ 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, với 43 đề tài thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, các tiện ích đô thị… Dù đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi, hầu hết các đề tài được đánh giá là có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng.

Với đề tài “Nghiên cứu các phương pháp thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm”, Mai Thị Thanh Mai (sinh viên ngành Quản lý môi trường, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) trở thành sinh viên đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi “Sinh viên NCKH” cấp thành phố. Đề tài của Mai được đánh giá là “công phu, có đóng góp lớn và hoàn toàn có thể ứng dụng trong thực tế”.

Cũng trong cuộc thi này, đề tài “Hệ thống giám sát chất lượng không khí” - giúp phát hiện và cảnh báo không khí ô nhiễm -  của nhóm sinh viên Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đoạt được giải nhì. Hai đề tài “Nghiên cứu tỷ lệ tiêm vắc-xin HPV và các yếu tố liên quan ở sinh viên nữ tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017” (Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) và “Máy bán sản phẩm phòng the tự động” (Trường ĐH Duy Tân) đoạt giải ba. Các đề tài này đều được Hội đồng giám khảo đánh giá là “có khả năng ứng dụng trong thực tế”.

Ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN) cho biết, Sở KH&CN hỗ trợ 3 triệu đồng/đề tài đối với 20 đề tài lọt vào vòng chung kết, giúp các sinh viên hoàn thiện sản phẩm. Đánh giá về lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Sinh viên NCKH” cấp thành phố, ông Phong cho rằng cần tăng cường đào tạo các sinh viên về phương pháp luận NCKH. “Nhiều em có ý tưởng, có đề tài, nhưng làm sao để biến ý tưởng đó thành một đề án NCKH thì cần nhiều công sức để tìm hiểu, xem xét, điều tra, thử nghiệm… Những kỹ năng này cần được đào tạo bài bản”, ông Phong nói.

Cuối tháng 4 vừa qua, Sở KH&CN phối hợp với Thành Đoàn phát động cuộc thi “Sinh viên NCKH cấp thành phố” năm 2018. Theo ông Phong, trong khuôn khổ cuộc thi năm nay, Sở sẽ tổ chức buổi tập huấn về phương pháp luận NCKH cho tất cả sinh viên trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cuộc thi sẽ tập trung vào các sản phẩm công nghệ, có tính mới, tính ứng dụng và khả thi, có thể giới thiệu được cho các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng. Ông Phong cho biết: “Chúng tôi muốn sinh viên có tư tưởng tự thân lập nghiệp dựa trên chính các sản phẩm chất xám của mình. Thậm chí, nếu các em chưa đủ khả năng để khởi nghiệp thì có thể nghĩ tới hướng chuyển giao công nghệ”. Các đề án dự thi năm nay dự kiến sẽ tập trung phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố văn minh.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Vũ Thị Bích Hậu cho biết, trong thời gian tới Thành Đoàn cùng Sở KH&CN cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong nhiệm vụ ươm mầm ý tưởng mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên tiếp cận với KH&CN. Hy vọng thông qua các cuộc thi, sẽ ngày càng có nhiều sinh viên tiếp tục trên con đường NCKH, tìm giải pháp mới cho các vấn đề của thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
.
.
.
.
.
.