Kể từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng liên tục đứng đầu cả nước về chỉ số “Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam” (Vietnam ICT Index). Điều này thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước kết quả này, Đà Nẵng vẫn nhìn nhận thẳng thắn, trực diện vào những điểm chưa làm được để tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin sẵn sàng chung tay cùng chính quyền thành phố để phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Asian Tech). Ảnh: KHANG NINH |
Nhiều chỉ số thành phần vượt trội
Trong khuôn khổ hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông Việt Nam được tổ chức tại Vĩnh Long ngày 29-8, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Tin học Việt Nam công bố bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2018.
Đà Nẵng là thành phố được xướng tên lần thứ 10 liên tiếp dẫn đầu cả nước với điểm số 0,94/1. Hai thành phố xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là TP. Hồ Chí Minh (0,67/1) và Hà Nội (0,65/1).
Đối với chỉ số thành phần hạ tầng kỹ thuật (gồm hạ tầng kỹ thuật xã hội như: tỷ lệ điện thoại cố định/di động, tỷ lệ thuê bao Internet, tỷ lệ thuê bao băng rộng… và hạ tầng kỹ thuật cơ quan Nhà nước như: tỷ lệ máy tính, tỷ lệ băng thông, triển khai các giải pháp an toàn thông tin…), Đà Nẵng đạt 0,93/1 điểm, tạo khoảng cách khá xa so với địa phương đứng ở vị trí thứ 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu 0,76/1) và vị trí thứ 3 (TP. Hồ Chí Minh 0,58/1).
Đặc biệt, Đà Nẵng đạt 1/1 điểm về chỉ số hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước với 100% cơ quan kết nối với mạng WAN của thành phố hoặc mạng chuyên dùng của Chính phủ.
Về hạ tầng nhân lực, sau 2 năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước, năm nay Đà Nẵng vươn lên vị trí đầu bảng với số điểm 0,96/1. Ở chỉ số thành phần ứng dụng CNTT, Đà Nẵng cũng tiếp tục dẫn đầu với mức điểm 0,93/1.
Đặc biệt, thành phố đạt điểm tối đa trong việc ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan Nhà nước (với các tiêu chí như: sử dụng thư và văn bản điện tử, triển khai các ứng dụng cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng phần mềm nguồn mở).
Chương trình thành phố thông minh được triển khai dựa trên kế hoạch, lộ trình cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Trong ảnh: Sử dụng phần mềm quản lý thông minh tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. |
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những lý do chính khiến thành phố giữ được vị trí đứng đầu cả nước về tính sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT trong suốt 10 năm qua là tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo, cùng sự đồng lòng, chung sức của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, các chương trình “chính quyền điện tử”, “thành phố thông minh”… đều được tổ chức bài bản, có lộ trình cụ thể. “Chương trình “chính quyền điện tử” lúc mới bắt đầu năm 2010, chúng ta tập trung vào việc mô hình hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong 2 năm trở lại đây, Đà Nẵng tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, song cũng có những giai đoạn chúng ta tập trung công tác kiểm soát nội bộ. Mỗi giai đoạn, Đà Nẵng đều có những kế hoạch cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế của giai đoạn đó”, ông Nguyễn Quang Thanh nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh phân tích thêm, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong công tác ứng dụng CNTT vào quản lý Nhà nước.
Bởi chính đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT là những người trực tiếp vận hành và phát triển hệ thống tương tác chính quyền điện tử, đồng thời là lực lượng tham mưu, định hướng để Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh. Để có thể duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, thành phố cần có thêm ưu đãi để hỗ trợ cuộc sống của đội ngũ cán bộ này.
Chỉ số Vietnam ICT Index qua các năm. |
Vẫn còn nhiều dư địa phát triển
10 năm liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu Vietnam ICT Index 2018, nhưng ông Nguyễn Quang Thanh vẫn thẳng thắn nhìn nhận, Đà Nẵng còn nhiều điều chưa làm được. Điển hình như việc số lượng các dịch vụ công được đưa lên mạng ngày càng tăng (hiện có 555/1.177 thủ tục hành chính đã được trực tuyến hóa, đạt 47,2%), nhưng thứ hạng của Đà Nẵng trong lĩnh vực này lại giảm dần trong 3 năm liên tiếp.
Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng xuống hạng như Đà Nẵng. Lý do là vì nếu như trước đây, chỉ số này tập trung vào số lượng các dịch vụ công trực tuyến, thì bây giờ các tiêu chí đánh giá đã mở rộng đến công nghệ liên thông dữ liệu, số hồ sơ nộp và được xử lý trên hệ thống.
“Phải nói thẳng rằng, có những hồ sơ được nộp trên mạng nhưng lại xử lý theo phương pháp truyền thống. Một số sở cũng ít tham gia dịch vụ công trực tuyến. Chúng ta có môi trường, có hạ tầng, nhưng nếu không quyết tâm đồng bộ thì chưa thể tận dụng hết lợi thế của mình được”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện trong công tác ứng dụng CNTT. Đơn cử, an toàn dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh, nhưng hiện nay Đà Nẵng vẫn chưa thể bảo đảm được yếu tố này.
Ngoài ra, công tác chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu liên quan đến đất đai, xây dựng, tư pháp, đăng ký kinh doanh vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử và hạ tầng CNTT trên toàn địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung (nhân hộ khẩu, đất đai, thủ tục hành chính, doanh nghiệp, thanh tra, khiếu nại, tố cáo).
Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp như: Viettel, FPT, Vietinbank, VNPT… để đầu tư, triển khai các ứng dụng thành phố thông minh phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Đối với các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 (2 mức độ cao nhất), hướng đến năm 2019 sẽ có 100% thủ tục được triển khai ở mức độ này. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu mở về an toàn thực phẩm, doanh nghiệp, đất đai để cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông: 4 trụ cột làm nên thành công của Đà Nẵng Có 4 trụ cột giúp Đà Nẵng giữ vị trí đầu bảng Vietnam ICT Index trong suốt 10 năm qua. Đó là tầm nhìn của lãnh đạo, sự liên kết giữa các sở, ngành, chất lượng nguồn nhân lực và tính bền vững, lâu dài trong mỗi chương trình ban hành. Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc VNPT Đà Nẵng: Doanh nghiệp sẵn sàng chung tay với thành phố Các doanh nghiệp viễn thông (trong đó có VNPT) và các doanh nghiệp CNTT luôn sẵn sàng chuẩn bị hạ tầng, mạng lưới, nhân lực, hệ thống… để có thể chủ động nghiên cứu các sản phẩm phần mềm đáp ứng yêu cầu của các sở, ban, ngành thành phố. Chúng tôi cũng chủ động tiếp cận, giới thiệu và hợp tác với chính quyền nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, củng cố nhận thức của người dân, thúc đẩy các hành động ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng: Chú trọng hạ tầng kỹ thuật để thu hút nhà đầu tư Hạ tầng kỹ thuật xã hội là một trong các tiêu chí của ICT Index 2018. Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư vào tiêu chí này, đặc biệt là hạ tầng trong các khu CNTT tập trung. Điều này góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thực chất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Bài và ảnh: KHANG NINH