Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá vùng tối của Mặt Trăng

.

Trung Quốc đã ra mắt tàu thăm dò Mặt Trăng mới và dự kiến đến cuối năm 2018 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thám hiểm vùng tối trên vệ tinh duy nhất của Trái Đất.

Hiện tại một cuộc thi toàn cầu đặt tên cho tàu thăm dò này đang được tiến hành với người chiến thắng sẽ nhận phần thưởng 435 USD và một vé xem buổi phóng tàu lên Mặt Trăng.

Mô hình về tàu thăm dò mới của Trung Quốc. Ảnh: CNN
Mô hình về tàu thăm dò mới của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Trung Quốc đã giới thiệu về tàu thăm dò không người lái này trong cuộc họp báo ngày 15/8. Con tàu dài 1,5m và cao 3,3m, được trang bị pin Mặt trời gấp nếp cùng 6 bánh xe.

Từ năm 2015, Trung Quốc đã đề cập đến ý định đưa tàu thăm dò đến vùng tối của Mặt Trăng. Vùng tối trên Mặt Trăng là phần con người không bao giờ quan sát được khi nhìn từ Trái Đất. Luôn có một mặt của Mặt Trăng hướng về Trái Đất trong khi phần còn lại lại hướng về vũ trụ tối tăm lạnh lẽo do vậy bị bao phủ bởi màu đen. Trên thực tế, có thể hiểu vùng tối là mặt ban đêm của Mặt Trăng trong khi phía còn lại có thể quan sát được từ Trái Đất do nhận ánh nắng Mặt Trời và là mặt ban ngày.

Tàu thăm dò Mặt Trăng gần đây nhất của Trung Quốc có tên Yutu (Thỏ Ngọc) đã ngừng hoạt động từ tháng 8/2016 sau 972 ngày hoạt động theo khuôn khổ dự án Chang'e 3.

Nhà thiết kế trưởng Wu Weiren của dự án thăm dò Mặt Trăng phát biểu với kênh CCTV: “Thiết kế tổng thế của con tàu thăm dò mới này vốn dựa trên Yutu. Nhưng chúng tôi đã rất nỗ lực để nâng cao tính ổn định, đồng thời tiến hành hàng nghìn thử nghiệm để đảm bảo thiết bị hoạt động lâu dài, đặc biệt khi xem xét về loại đá, hẻm núi và lực ma sát trên Mặt Trăng”.

Ông Wu khẳng định tàu thăm dò mới sẽ được trang bị các thiết bị do Trung Quốc và Thụy Điển chung tay phát triển, ngoài ra còn có radar sản xuất nội địa, camera…

Dự án thám hiểm Mặt Trăng Chang'e-4 sẽ được khởi động từ cuối năm 2018 tuy nhiên thời điểm cụ thể vẫn chưa được thông báo. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã phóng vệ tinh chuyển tiếp để tạo kênh liên lạc giữa Trái Đất và thiết bị trên Mặt Trăng.

Bức ảnh 3D về tàu thăm dò Yutu của Trung Quốc. Ảnh: NBC News
Bức ảnh 3D về tàu thăm dò Yutu của Trung Quốc. Ảnh: NBC News

Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thám hiểm Mặt Trăng thành công, sau Mỹ và Nga.

Ngoài Mặt Trăng, Trung Quốc còn lên kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trong khoảng năm 2020. Sau đó, Trung Quốc sẽ tiến hành thêm lần thăm dò Sao Hỏa thứ hai để thu thập mẫu đá trên bề mặt Hành tinh Đỏ.

Ông Wu Yanhua - Phó Giám đốc Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đang nghiên cứu khả năng đưa người lên Mặt Trăng và gửi tàu thăm dò tới Sao Mộc. Ông Wu Yanhua phát biểu với các phóng viên: “Mục tiêu của chúng tôi là đến 2030 Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc về vũ trụ trên thế giới”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ấp ủ đến năm 2022 vận hành một trạm vũ trụ dài hạn. Đây cũng là khoảng thời gian quỹ dành cho Trạm Vũ trụ Quốc tế tạm ngừng.

Mặc dù Trung Quốc khẳng định quốc gia này có mục đích hòa bình trong khám phá vũ trụ nhưng Washington lại coi Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm tàng.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng cáo buộc Trung Quốc và Nga phát triển công nghệ, vũ khí nhắm tới các vệ tinh của Mỹ. Tổng thống Donald Trump gần đây còn kêu gọi đến năm 2020 thành lập lực lượng vũ trụ trong quân đội Mỹ. Trong khi đó, quốc hội Mỹ đã ban hành lệnh cấm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) bắt tay hợp tác với Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.

Theo Báo Tin tức 

;
.
.
.
.
.
.