Thời gian qua đã có nhiều đối tượng lừa đảo lập ra trang web giả mạo ngân hàng và sau đó dụ dỗ con mồi thông qua hình thức trúng thưởng, chia tài sản, nhận tiền hộ… hòng trục lợi.
Cảnh giác trước trò giả mạo ngân hàng để trục lợi |
Thực trạng lừa đảo qua mạng nhằm trục lợi đang diễn ra hết sức tinh vi và nhiều thủ đoạn. Mới đây ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lừa đảo này đối với các khách hàng của nhà băng này.
Ngân hàng này cho biết đã phát hiện một trường hợp của cá nhân có tên là Faith Geren trên Facebook đã chat (trò chuyện qua mạng) với một khách hàng của SHB mong muốn được chia đôi số tiền rất lớn và đề nghị khách hàng đăng nhập vào website giả mạo.
Phía SHB cho biết, đây là hình thức lừa đảo lợi dụng uy tín thương hiệu của Ngân Hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo thông qua các website giả mạo.
Hình thức chung của kẻ lừa đảo như sau: nạn nhân sẽ nhận được thông điệp (thông qua tin nhắn, email, chat qua Facebook Messenger…) với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản, đề nghị hỗ trợ nhận thưởng, phân chia tài sản kèm theo yêu cầu click vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng. Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập internet banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của Khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…
Trước thực trạng trên, phía ngân hàng này cảnh báo khách hàng cần cẩn trọng với email, tin nhắn, cuộc gọi trên mạng xã hội với những nội dung chuyển tiền, trúng thưởng, chia tài sản... như trên. Ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với tất cả các yêu cầu liên quan đến việc click vào các trang website kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ internet banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, mã CVV.
Trước đó, Dân trí cũng liên tiếp cảnh báo về tình trạng giả mạo các công ty để thông báo trúng thưởng với giá trị lớn nhằm đánh cắp tài sản của người dân. Điển hình nhất là các vụ thông báo trúng thưởng từ "Sự kiện Tuần lễ Tri ân Khách hàng năm 2018" của Facebook. Chúng sẽ thông báo người dùng trúng thưởng quà giá trị hàng trăm triệu đồng và đề nghị người dùng không cung cấp mã trúng thưởng này cho bất kỳ ai.
Đồng thời, chúng yêu cầu người dùng truy cập vào một đường link do chúng gửi để cập nhật thông tin cá nhân trúng thưởng.
Về hình thức, theo một chuyên gia bảo mật ở TPHCM, đối tượng sẽ dẫn dụ người dùng truy cập đường link mà chúng đưa ra để hoàn tất việc nhận giải thưởng. Nạn nhân sẽ đăng nhập tài khoản Facebook cá nhân trên trang web của chúng sẽ bị chiếm quyền điều khiển tài khoản.
Cảnh giác các tin nhắn thông báo trúng thưởng |
Từ đó, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mượn tiền, mua card hộ đến những tài khoản bạn bè trong danh sách của bạn, tương tự trường hợp lừa đảo ở trên. Hoặc những tên lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào... Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các tin tặc đưa ra "lệ phí" cao hay thấp.
Thậm chí có trang web còn có thêm tính năng đăng nhập tài khoản ngân hàng để hoàn tất tiền phí nhận giải thưởng. Nếu người dùng đăng nhập tài khoản Internet Banking, các đối tượng lừa đảo sẽ nhanh chóng thu thập và chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của người dùng.
Đến nay, Facebook vẫn chưa có bất cứ chương trình nào mang tên "Sự kiện Tuần lễ Tri ân Khách hàng năm 2018" và thậm chí chưa bao giờ công bố trúng thưởng với bất kỳ ai thông qua tin nhắn Facebook Messenger.
Trong năm qua, một hãng xe lớn trong nước cũng phải lên tiếng về tình trạng giả mạo hãng để thông báo trúng thưởng, tặng xe. Hãng này cũng khẳng định các chương trình khuyến mại, trúng thưởng chưa bao giờ được thông báo qua Facebook messenger.
Cho nên, người dùng cần cảnh giác hơn trước nạn lừa đảo ngày càng rầm rộ trên Facebook và nên cảnh báo đến với bạn bè của mình.
Theo Dân trí