Cảnh sát Anh ngày 11-4 đã ập vào Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sau 7 năm ông không rời Đại sứ quán. Dưới đây là chặng đường dẫn đến trường hợp đặc biệt này của ông Assange.
Ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador. Ảnh: AFP |
Năm 2010
Ngày 31-8: Cảnh sát Thụy Điển thẩm vấn ông Assange về hai cáo buộc riêng rẽ là cưỡng hiếp và gạ gẫm với hai phụ nữ tại quốc gia này. Ông Assange đã bác bỏ những cáo buộc này.
Ngày 18-11: Các công tố viên Thụy Điển ban hành lệnh bắt giữ quốc tế để có thể bắt và thẩm vấn ông Assange - người là nghi phạm tấn công tình dục.
Ngày 7-12: Ông Assange tự tới trình diện cảnh sát tại London và bị giam giữ cho đến ngày ra tòa.
Ngày 16-12: Tòa án tối cao chấp nhận ông Assange được bảo lãnh, nhờ số tiền 240.000 bảng Anh từ những người ủng hộ công dân Australia này.
Năm 2011
Ngày 2-11: Ông Assange thua trong vụ kháng cáo dẫn độ tới Thụy Điển. Thẩm phán cho rằng điều này không vi phạm nhân quyền.
Năm 2012
Ngày 19-6: Ông Assange đến Đại sứ quán Ecuador tại London, đề nghị tị nạn chính trị. Cảnh sát London khi đó cho biết ông Assange là đối tượng cần bắt giữ do vi phạm điều khoản bảo lãnh.
Ngày 16-8: Ecuador chấp nhận quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange
Ngày 19-8: Ông Assange đứng trước ban công Đại sứ quán Ecuador kêu gọi Chính phủ Mỹ từ bỏ “cuộc săn phù thủy” đối với WikiLeaks.
Ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador năm 2012. Ảnh: EPA |
Năm 2013
Ngày 13-6: Ông Assange nói với các nhà báo rằng ông sẽ không rời Đại sứ quán Ecuador ngay cả khi cáo buộc xâm hại tình dục được gỡ bỏ bởi lo ngại vẫn có thể bị dẫn độ đến Mỹ.
Năm 2014
Ngày 16-7: Một thẩm phán tại Thụy Điển quyết định duy trì lệnh bắt giữ đối với ông Assange. Sau đó, ông Assange đã thua khi kháng cáo.
Năm 2015
Ngày 13-3: Các công tố viên Thụy Điển yêu cầu thẩm vấn ông Assange tại Đại sứ quán.
Ngày 16-8: Ngoại trưởng Anh Hugo Swire tái đề cập đến nghĩa vụ của quốc gia này là dẫn độ ông Assange tới Thụy Điển.
Ngày 12-10: Cảnh sát Anh ngừng ca gác 24 giờ bên ngoài Đại sứ quán Ecuador vốn kéo dài trong 3 năm và tốn khoảng 12 triệu bảng Anh.
Năm 2016
Ngày 20-6: Ecuador cho biết Thụy Điển đã chính thức yêu cầu thẩm vấn ông Assange.
Ngày 9-8: Ông Assange gửi đơn kháng cáo đến một tòa án Thụy Điển yêu cầu quốc gia này tuân thủ các kết luận của Liên hợp quốc.
Ngày 14-8: giới chức Thụy Điển thẩm vấn ông Assange trong hai ngày tại Đại sứ quán Ecuador.
Năm 2017
Ngày 17-1: Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama quyết định thả tự do cho Chelsea Manning – dấy lên khả năng ông Assange có thể thoát khỏi quãng thời gian dài chỉ quanh quẩn tại Đại sứ quán Ecuador.
Ngày 19-1: Ông Assange tuyên bố trong một cuộc họp báo về việc muốn đến Mỹ khi các quyền của ông được tôn trọng.
Ngày 21-4: Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó Jeff Sessions nhấn mạnh việc bắt giữ ông Assange là ưu tiên của Washington.
Ngày 19/5: Thụy Điển bất ngờ xóa bỏ cuộc điều tra cáo buộc ông Assange xâm hại tình dục.
Năm 2018
Ngày 11-1: Bộ Ngoại giao Anh bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Ecuador về quy chế ngoại giao cho ông Assange. Ecuador cho biết đã cấp quyền công dân cho ông Assange trong tháng 12-2017.
Ngày 28-3: Đại sứ quán Ecuador cắt quyền truy cập internet của ông Assange vì cho rằng ông này can thiệp vào việc nội bộ của quốc gia khác.
Ngày 9-8: Thượng viện Mỹ yêu cầu được thẩm vấn ông Assange liên quan tới điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Ngày 19-10: Ông Assange cáo buộc Ecuador vi phạm “tự do và các quyền cơ bản”.
Năm 2019
Ngày 11-4: Cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London.
Theo Báo Tin tức