Các tập đoàn công nghệ trong 'tầm ngắm' của các nhà chức trách Mỹ

.

Ngày 23-7, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ bắt đầu tiến hành đánh giá chống độc quyền đối với các “đại gia” công nghệ (còn được gọi là Big Tech).

Biểu tượng của Google trên màn hình máy tính. Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng của Google trên màn hình máy tính. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng đây sẽ là một cuộc điều tra kéo dài và gặp rất nhiều khó khăn khi luật pháp Mỹ vẫn còn nhiều lỗ hổng liên quan đến nền kinh tế số.

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định đơn vị điều tra chống độc quyền đang đánh giá liệu các nền tảng trực tuyến hàng đầu đã đạt được quyền lực thị trường và can dự vào những hoạt động làm giảm cạnh tranh, hạn chế đổi mới, hoặc ảnh hưởng xấu tới khách hàng hay không và như thế nào. Thông báo trên được cho là phát đi tín hiệu về một cuộc điều tra sâu rộng đối với các tập đoàn công nghệ đang kiểm soát những phân khúc thị trường quan trọng như tìm kiếm trực tuyến, truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

Dù thông báo không nêu tên công ty cụ thể được nhằm tới, song dường như mục tiêu của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ là Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook, Amazon và Apple, những "đại gia" đang kiểm soát nền kinh tế số. Hiện các công ty này đề từ chối bình luận hoặc không đưa ra phản hồi về động thái của Bộ Tư pháp Mỹ.

Thông báo ngắn gọn nhưng quan trọng trên được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ và chính phủ các nước khác bày tỏ lo ngại về tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp khổng lồ như Google, Facebook và Amazon. Các nhà lập pháp cũng đã kêu gọi xây dựng những quy định chặt chẽ hơn, hoặc thậm chí chia tách các công ty công nghệ lớn sau một loạt vụ bê bối xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Ngoài ra, thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cũng được công bố giữa bối cảnh Facebook có thể sớm phải đối mặt với một phán quyết quan trọng từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) về các bê bối bảo mật, với án phạt bao gồm khoản tiền phạt 5 tỷ USD cùng những giới hạn áp đặt lên hoạt động của công ty này. FTC cũng có kế hoạch phạt Google hàng triệu USD đối với cách họ xử lý thông tin của các khách hàng trẻ em trên YouTube.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những “đại gia” công nghệ có thể sẽ là một mục tiêu khó khăn dù Bộ Tư pháp Mỹ cam kết sẽ minh bạch. Điều này là do những diễn giải hiện tại về luật chống độc quyền rõ ràng không áp dụng cho các công ty cung cấp hàng hóa rẻ tiền hoặc dịch vụ trực tuyến miễn phí.

Trước đây, luật chống độc quyền chủ yếu tập trung vào các công ty lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua hoạt động nâng giá cùng các hành vi tương tự. Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ đang cung cấp các sản phẩm miễn phí (dù chúng được “thanh toán” bằng những dữ liệu cá nhân khách hàng thu được từ các dịch vụ đó). Những công ty thương mại điện tử khác như Amazon thì cung cấp mức giá thấp ổn định cho một loạt các mặt hàng.

Ngoài ra, các công ty có thể phải đối mặt với cuộc điều tra về hoạt động mua lại các đối thủ nhỏ.  Một số nghị sĩ đã cáo buộc những “đại gia” công nghệ tạo ra một "khu vực tiêu diệt startup" để bảo vệ họ khỏi các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Chẳng hạn, Google đã mua lại YouTube vào năm 2006 khi nó vẫn còn là một trang web đăng tải video trực tuyến còn non trẻ và đang phải vật lộn để vượt qua các vụ kiện vi phạm bản quyền. Facebook cũng đã mua lại phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí  Instagram vào năm 2012 và đưa nó trở thành mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của họ. Apple cũng tiến hành mua lại các công nghệ xây dựng nên “trợ lý ảo” Siri nổi tiếng của mình.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã không thành công trong nỗ lực "vận dụng" luật chống độc quyền. Washington đã cố gắng kiện để ngăn chặn thương vụ mua tập đoàn viễn thông AT&T mua lại tập đoàn giải trí Time Warner với lập luận rằng vụ sáp nhập có thể làm tăng giá các chương trình, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Nhưng Bộ này đã thua kiện ở tòa các cấp.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.