Khi cán bộ thôn ứng dụng công nghệ

.

Đến Nhà văn hóa thôn truy cập internet qua hệ thống wifi, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến từ xã đến thành phố. Chuyện nghe lạ nhưng không còn là điều mới mẻ với người dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Đây cũng là địa phương tiêu biểu của thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả này xuất phát từ sự tâm huyết, gương mẫu của chủ tịch xã.

Điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn kiểu mẫu tại thôn Phước Hưng Nam.
Điểm ứng dụng công nghệ thông tin nông thôn kiểu mẫu tại thôn Phước Hưng Nam.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát cho biết, trong điều kiện tinh giản biên chế nhưng công việc ngày càng nhiều hơn, để hoàn thành được nhiệm vụ, không có con đường nào khác phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ cấp xã xuống đến thôn.

Cách làm này vừa khoa học là thuận lợi nhằm giúp dân tiếp cận những công nghệ mới trong quản lý, cung cấp thông tin hằng ngày. Mới đây, xã Hòa Nhơn vừa hoàn thành việc đầu tư lắp đặt đường truyền internet, hệ thống phát sóng wifi, máy tính tại Nhà văn hóa của 14 thôn. Hiện nay các Nhà văn hóa thôn đã trở thành điểm sinh hoạt thường xuyên của người dân, nhất là giới trẻ đến vừa sinh hoạt Đoàn Thanh niên vừa truy cập internet để tiếp cận thông tin, giải trí, học tập...

Người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ cấp xã đến thành phố. Từ cuối năm 2017, xã Hòa Nhơn đã đưa vào sử dụng “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” tại thôn Phước Hưng Nam và “điểm lồng ghép hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4” tại trụ sở UBND xã. Hai điểm này được trang bị máy tính, máy in, máy scan, wifi miễn phí, camera an ninh, loa đài được củng cố; bố trí các bảng thông báo, tờ rơi, áp phích tuyên truyền về cải cách hành chính. Đến nay mô hình “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” đã nhân rộng ra 14 thôn.

Phó thôn Thái Lai Hồ Văn Hiệp phấn khởi cho biết, từ khi hệ thống wifi đưa vào sử dụng, Nhà văn hóa thôn thu hút nhiều người dân đến để tìm hiểu thông tin hơn chứ không chỉ đông người lúc hội họp. Người dân có nhu cầu làm thủ tục hành chính trực tuyến sẽ được phó thôn phụ trách văn hóa hoặc Chi đoàn thôn hướng dẫn cụ thể. Đến nay, xã Hòa Nhơn đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 44/86 thủ tục hành chính cấp xã.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Tấn Phát, kỳ họp đầu năm 2019 của HĐND xã Hòa Nhơn lần đầu tiên được làm thí điểm tổ chức truyền hình trực tuyến về Nhà văn hóa thôn Phước Hưng Nam. Buổi truyền hình trực tuyến thông qua đường truyền internet đã thành công ngoài mong đợi.

Ông Lê Sang, cử tri thôn Phước Hưng Nam cho biết, lâu nay, HĐND xã họp như thế nào, bàn nội dung gì, cử tri dưới thôn chúng tôi không biết, chỉ nghe trưởng thôn phổ biến lại chủ trương sau kỳ họp thôi. Vừa qua, kỳ họp HĐND xã lần đầu tiên được truyền hình trực tuyến đến thôn là một sự kiện lớn của thôn. Hôm đó bà con được thông báo rất háo hức đến theo dõi kỳ họp, ngồi chật cả hội trường thôn. “Bà con rất quan tâm việc xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục như thế nào để nâng cao hơn đời sống”, ông Sang nói.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Ba, Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Phước Hưng Nam đánh giá, việc tổ chức truyền hình trực tuyến kỳ họp HĐND xã đến thôn là rất tôn trọng cử tri, thể hiện sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền. “Chúng tôi cũng theo dõi được đại biểu HĐND xã của thôn mình đi họp có nói được gì không, có nói đúng ý nguyện bà con gửi gắm không. Nói chung việc này đã làm thành công nên làm tiếp và cần nhân rộng ra 14 thôn của xã”, ông Ba kiến nghị. 

Về ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công việc, ông Nguyễn Tấn Phát cho hay, tất cả cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đều thành thạo vi tính, các phần mềm quản lý, điều hành của thành phố quy định thực hiện trong các cơ quan hành chính. Hiện nay, xã đã đăng ký tài khoản xử lý văn bản điện tử của thành phố cho tất cả các trưởng thôn để tiếp nhận giấy mời họp, tài liệu thông tin chủ trương của các cấp để phổ biến đến người dân.

UBND xã tự xây dựng phần mềm quản lý các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội đang sinh sống trên địa bàn xã. Bản thân ông Nguyễn Tấn Phát rất gương mẫu khi cùng cán bộ địa chính-xây dựng tự tìm hiểu sử dụng ứng dụng phần mềm Googlemap hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai, công tác đền bù giải tỏa cùng các phần mềm chuyên dùng về đất đai trên địa bàn xã.

Nhờ đó, UBND xã đã phát hiện 2 trường hợp khai báo về nhà ở xây dựng không chính xác về thời điểm để nhận chế độ đền bù giải tỏa đất đai. Với vai trò chủ tịch, ông Nguyễn Tấn Phát cũng có cách quản lý, điều hành tốt hơn nhờ ứng dụng triệt để CNTT; đồng thời ông cũng dành ngày thứ bảy hằng tuần đi cơ sở để nắm bắt thông tin, lắng nghe người dân phản ánh, kiến nghị, nhất là cải cách hành chính.

Nhờ thực hiện rất hiệu quả công tác quản lý, điều hành và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội của xã đạt những kết quả rất tích cực. Trong năm 2018, xã Hòa Nhơn được xếp hạng thứ 2/56 phường, xã toàn thành phố về ứng dụng CNTT trong công việc.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
;
.
.
.
.
.