Vai trò và sức mạnh của liên kết hợp tác trong các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là hoạt động chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương.
Liên kết tạo sức mạnh trong nghiên cứu ứng dụng
Theo đánh giá của Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), trong 2 năm qua, hoạt động liên kết trong nghiên cứu khoa học, liên kết vùng trong xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã mang lại hiệu quả nhất định nhưng chưa đúng với tiềm năng đang có. Tuy các địa phương đã ký liên kết hợp tác nhưng lại chưa xây dựng được cơ chế, giải pháp thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, sự gắn kết, phối hợp giữa các Viện, trường trung ương và các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu chuyển giao ứng dụng, nhất là các sản phẩm có tiềm năng phát triển theo chuỗi giá trị ở quy mô lớn còn mờ nhạt.
Hiện nay, các địa phương trong vùng cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn và đi vào thực chất hơn về hợp tác liên kết nhằm chia sẻ và tận dụng tối đa nguồn lực của nhau. Đà Nẵng có những nghiên cứu KH&CN đã được ứng dụng khá hiệu quả trong thực tiễn cũng như những dịch vụ KH&CN. Với lợi thế có nhiều nguồn lực về KH&CN từ các tổ chức, đơn vị, nhất là các trường đại học lớn, các đơn vị sự nghiệp chuyên triển khai các hoạt động dịch vụ KH&CN và hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng có đủ tiềm lực để có thể tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để mở rộng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các mô hình phù hợp phục vụ nhu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống.
Đà Nẵng có nhiều nghiên cứu ứng dụng KH&CN được triển khai hiệu quả thời gian qua. Đơn cử 2 giải pháp hữu ích gồm: nghiên cứu chế tạo thiết bị lọc nước ngầm đa tầng và phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic của TS. Lê Thị Xuân Thùy (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng sở hữu độc quyền được ứng dụng rất tốt trong thực tế.
Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng được sử dụng để lọc nước ngầm nhiễm phèn. Sau khi qua cột lọc này, nước cải thiện đáng kể, và đáng kinh ngạc khi nhìn lớp cặn bẩn trên bông lọc. Thiết bị có chi phí thấp, lại dễ sử dụng, dễ thay thế lớp vật liệu lọc. Hiện nay thiết bị này đang được lắp đặt cho một số hộ trong thành phố, khả năng lọc nước tốt. Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu đang đề xuất triển khai sử dụng mô hình lọc này cho khu vực chưa có nước sạch, đang sử dụng nước ngầm, hiệu quả xử lý thấy rõ. Người dân cũng phấn khởi. Định hướng thời gian đến sẽ đưa thiết bị này đến nhiều tỉnh, thành khác.
Phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic giúp xử lý nước thải hoặc nước nhiễm kim loại nặng, rút ngắn thời gian xử lý. TS. Lê Thị Xuân Thùy cho biết: “Năm 2018, đơn vị nghiên cứu đã đưa giải pháp này vào việc xử lý nước thải cho nhà máy xi mạ cho hiệu quả xử lý tốt nhưng vì nước có pH thấp quá nên kinh phí tính trên 1m3 hơi cao. Định hướng sắp đến sẽ tiếp tục tìm tiếp các nhà máy với nguồn nước thải nhiễm kim loại nặng cao mà và có pH cao để xử lý, thì giá thành sẽ giảm, tăng tính thuyết phục hơn”.
Tận dụng nguồn lực, thúc đẩy phát triển dịch vụ
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN thành phố có thể phối hợp trực tiếp với các đơn vị của các địa phương khác triển khai có hiệu quả ở một số lĩnh vực dịch vụ KH&CN. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ chuyên triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng về lĩnh vực sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đơn vị đã được đầu tư trên 50 thiết bị chuyên môn, có giấy phép hoạt động dịch vụ liều kế cá nhân và giấy phép dịch vụ an toàn bức xạ, cũng như thực hiện phân tích, thử nghiệm.
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện hiệu chuẩn, kiểm định trung bình 18.000 phương tiện đo, chuẩn đo lường/năm. Các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; kiểm tra, hiệu chuẩn, kiểm chuẩn các thiết bị thuộc lĩnh vực y tế; kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tư vấn, đánh giá chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng, chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật những năm qua đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Lãnh đạo Sở KH&CN đánh giá các đơn vị sự nghiệp trực thuộc có đủ tiềm lực có thể tăng cường liên kết với các tỉnh thành khác để mở rộng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các mô hình phù hợp phục vụ nhu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. Đà Nẵng có thể liên kết cho ra đời và phát triển những sản phẩm KH&CN tiềm năng trong thời gian đến.
TRẦN NHIÊN