60 triệu người dùng, con số quá "tham vọng" với mạng xã hội Việt Nam?

.

4 triệu, 20 triệu rồi đến 60 triệu người dùng thường xuyên là 3 mốc khẳng định chỗ đứng, thương hiệu mạng xã hội Lotus của Việt Nam đặt ra.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VCCorp, đơn vị phát triển Lotus, cho biết các mốc mạng xã hội đặt ra để khẳng định vị trí của mình trên thị trường là 4 triệu, 20 triệu và tiến tới 60 triệu người dùng thường xuyên.

“Mỗi mốc đánh dấu những thành quả của Lotus như công nghệ đủ tốt để chịu được sự phát triển quy mô, sản phẩm đủ hay để hấp dẫn người dùng. Từ các mốc này, đơn vị phát triển Lotus cũng sẽ thấy được những nhược điểm, hạn chế để khắc phục. Cái nào hay cần làm hay hơn nữa. Cái nào không phù hợp, dở thì bỏ đi”, ông Tân cho hay.

ổng Giám đốc VCCorp chia sẻ về định hướng phát triển của mạng xã hội Lotus.
Tổng Giám đốc VCCorp chia sẻ về định hướng phát triển của mạng xã hội Lotus.

Ông Tân cũng thừa nhận chưa thể ước tính được thời hạn đạt được những mốc người dùng mà Lotus đặt ra, tuy nhiên, ông kỳ vọng với sự khác biệt riêng khi đặt nội dung là số 1, mạng xã hội này sẽ tìm được chỗ đứng trong thị trường. Và mốc đầu tiên 4 triệu người dùng sẽ sớm có thể đạt được.

Ông Nguyễn Thế Tân khẳng định, đối với mạng xã hội Lotus, nội dung chính là Vua: “Chúng tôi xây dựng mạng xã hội Lotus dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới tay các độc giả. Lotus thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn”.

Theo nhận định của một số chuyên gia về nội dung số, VCCorp có lợi thế khá tốt trong mảng này khi là đơn vị chủ quản của nhiều trang thông tin điện tử cũng như kết nối được những nguồn thông tin chính thống với nội dung phong phú, đa lĩnh vực như báo điện tử VOV, báo điện tử VTV, Tuổi Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Trung ương Đoàn…

Ở giai đoạn này, Lotus còn hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, blog, vlog… Đây cũng được đánh giá là cách tiếp cận mềm mại, chất lượng và gần gũi hơn trong việc cung cấp thông tin cho người dùng ngoài các nguồn thông tin báo chí chính thống.

Thu 1 chấp nhận chi 3, chi 5

Ngoài nội dung, nguồn thu cũng là yếu tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển mạng xã hội Lotus.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, mảng quảng cáo Admicro của VCCorp đang tiếp cận tới 10.000 nhà quảng cáo bao gồm nhiều nhãn hàng lớn. Ngoài ra, Lotus còn đang xây dựng mô hình kiếm tiền khác dựa trên tương tác, thử thách, hoạt động với người dùng.

Mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt Nam đến năm 2022 có số người sử dụng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam.
Mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt Nam đến năm 2022 có số người sử dụng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam.

Ông Tân cũng cho biết, VCCorp gọi khoản vốn 1.200 tỷ đồng để đầu tư dự án Lotus. Đến nay, dự án đã huy động được hơn 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. VCCorp dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ trong giai đoạn đầu để sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển lâu dài.

“Trong giai đoạn đầu phát triển, chúng tôi xác định có thể chưa thu được đồng quảng cáo nào hoặc thu được 1 đồng nhưng chấp nhận chi 3, chi 5 cho các nhà sáng tạo nội dung. Khi nền tảng đã có nội dung hay, hấp dẫn đủ để đạt được mốc 4 triệu người dùng là Lotus bắt đầu có lãi”, ông Tân tự tin khẳng định.

Khách quan mà nói, so với các mạng xã hội Việt Nam đã từng ra mắt và đang có hiện nay, Lotus của VCCorp có nhiều ưu thế về nội dung số, nền tảng công nghệ, hệ thống quảng cáo chuyên nghiệp để hoạt động bài bản mang về doanh thu có thể cho các nhà sáng tạo. Tuy nhiên, Lotus sẽ phát triển ra sao vẫn còn là tương lai phía trước mà khởi đầu là ngày ra mắt 16-9 tới đây.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng thể hiện rõ quyết tâm lớn trong việc tạo dựng một mạng xã hội riêng “Make in Vietnam”, của người Việt Nam với tuyên bố có 5 mạng xã hội ra mắt trong năm nay.

Mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt Nam đến năm 2022 có số người sử dụng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần. Có đạt được mục tiêu này hay không, Việt Nam vẫn cần những doanh nghiệp có niềm tin dám thử nghiệm những cái mới bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của những “ông lớn” công nghệ.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.