Smart Campus và sinh viên 4.0

.

Với tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo đến năm 2030, thậm chí có thể rút ngắn hơn, sẽ có khoảng 30% lao động được thay thế bằng robot. Các trường đại học (ĐH) thành viên ĐH Đà Nẵng đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho việc dạy và học để sinh viên sớm thích nghi, bắt kịp “chuyển động 4.0”.

Trao giải Cuộc thi sáng tạo Smart Campus-2019 cho sinh viên Đại học Đà Nẵng.
Trao giải Cuộc thi sáng tạo Smart Campus-2019 cho sinh viên Đại học Đà Nẵng.

Từ Smart Campus...

Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đưa vào sử dụng nhiều công trình mới làm thay đổi diện mạo, môi trường học tập và nghiên cứu tại các trường thành viên như: Các nhà đa năng Trường ĐH Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, khoa Y Dược, tòa nhà “thông minh” (Smart Campus), khu hành chính “1 cửa” phục vụ sinh viên, Văn phòng Tài nguyên bảo đảm chất lượng giáo dục, Nhà khách sinh viên quốc tế tại ĐH Bách khoa, Ký túc xá sinh viên quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế...

Trong đó, đáng chú ý là triển khai dự án Smart Campus do Viện Công nghệ quốc tế-DNIIT (với sự đồng hành của các chuyên gia quốc tế từ Trường ĐH Nice-Sophia Antipolis, Cộng hòa Pháp) phối hợp với các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông) nhằm xây dựng một khuôn viên, giảng đường “thông minh” (Smart Campus) đầu tiên tại Việt Nam. Nhờ đó, các dịch vụ “thông minh” phục vụ trường ĐH được xây dựng dựa trên nền tảng phần cứng và phần mềm với các công cụ mã nguồn mở và linh hoạt dựa trên IoT và trí tuệ nhân tạo...

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cho biết, nhà trường sẵn sàng đầu tư, ứng dụng các sản phẩm, phát triển các ý tưởng của sinh viên, giảng viên trẻ ngay chính tại giảng đường. Đồng thời, hướng đến thiết lập một mạng lưới (bằng công nghệ mạng Lora phủ sóng khuôn viên trường với các mã nguồn mở, linh hoạt) kết nối các dịch vụ (phân tích, thiết kế, mô phỏng và quản lý) hỗ trợ việc dạy-học ngày càng “thông minh” hơn như: Học online; tự đánh giá, giám sát kết quả học tập, hỗ trợ học tập nhóm; phòng học, thư viện, căn-tin “thông minh” (nhận dạng, điểm diện, tự phục vụ mượn trả sách, tìm kiếm dữ liệu...) và các hệ thống “thông minh” khác (an ninh, quản lý phòng học, quản lý thiết bị và tiết kiệm điện, giám sát chất lượng không khí, tưới nước cây xanh, bãi giữ xe hay thùng rác thông minh...).

Ý nghĩa của Smart Campus không dừng lại ở một cuộc thi, “sân chơi” học thuật mà còn truyền cảm hứng cho sinh viên. Từ đam mê sáng tạo đến hiện thực các ý tưởng, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên, giảng viên trẻ được ứng dụng, khởi nghiệp ngay tại giảng đường đã góp phần thay đổi tư duy, diện mạo, cách dạy và học mới, hướng đến một tương lai không xa định hướng xây dựng “thành phố thông minh” (Smart City) cho Đà Nẵng và các đô thị khác ở Việt Nam.

Trong khi đó, với triết lý “Lấy người học làm trung tâm”, Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng (DUE) luôn tạo dựng, vun đắp môi trường học tập giàu cảm hứng cho sinh viên từ chính những giảng viên giàu nhiệt huyết, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Sau hai năm thí điểm tự chủ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chỉ có bằng niềm đam mê, chủ động học tập, tự khám phá và phát triển năng lực bản thân mới có những thế hệ sinh viên đủ sức đi xa, trở thành những công dân toàn cầu trong dòng chảy hội nhập”.

Đến sinh viên... 4.0

Liên tục nhiều năm qua, ĐH Đà Nẵng không ngừng đổi mới quản trị ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều phương pháp dạy-học tiên tiến được áp dụng trên thế giới như: Học theo dự án (Project Based Learning), CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate) hay Học từ trải nghiệm thực tiễn (Learning Express phối hợp với ĐH Singapore Polytechnic và các trường trong khu vực Asean). PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết, từ năm học 2017-2018, trường áp dụng phương pháp “Học theo dự án”.

Theo đó, sinh viên được tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp theo các “chuẩn đầu ra” về kiến thức, tin học, ngoại ngữ (tối thiểu đạt chuẩn 600 điểm TOEIC quốc tế) và các kỹ năng mềm (tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện-sáng tạo, giao tiếp và làm việc nhóm...) để giải quyết các dự án, bài toán chuyên môn từ thực tế doanh nghiệp. Đây là yêu cầu tất yếu để sinh viên được học tập, sáng tạo hiệu quả trong môi trường Smart Campus.

Sớm đi đầu trong cả nước xây dựng, phát triển các chương trình tiên tiến (CTTT), chất lượng cao (CLC) như: Chương trình kỹ sư CLC Việt-Pháp (PFIEV, từ năm 1999), CTTT Việt-Mỹ (hợp tác với ĐH Portland và ĐH Washington, Hoa Kỳ từ năm 2004), CTTT Việt-Nhật (hợp tác với ĐH Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản từ năm 2006...), Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã thực sự trở thành “cánh chim đầu đàn” (vừa được Bộ GD-ĐT công nhận là một trong 7 trường ĐH của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế), góp phần đưa ĐH Đà Nẵng xếp thứ ba trong cả nước với 20 chương trình đào tạo được kiểm định, đạt chuẩn quốc tế (CTI của châu Âu và AUN-QA của khu vực Đông Nam Á).

Những “quả ngọt” mà sinh viên ĐH Đà Nẵng được gặt hái từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò có thể kể đến như: Giải nhất toàn quốc EPICS 2018 với dự án kỹ thuật sáng tạo phục vụ cộng đồng, giải nhất toàn quốc “Ý tưởng sinh viên tình nguyện 2019” của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, giải nhì (không có giải nhất) lĩnh vực Kinh tế Giải thưởng khoa học quốc gia Eureka 2018, giải nhất Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc 2018 của sinh viên ĐH Ngoại ngữ...

Chất lượng dạy và học của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng bảo đảm cho sinh viên có việc làm và cơ hội khởi nghiệp khi tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh trong nước và quốc tế, luôn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao (từ 90-95% theo số liệu kiểm định chất lượng giáo dục AUN-QA tại các trường thành viên). PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định: “Chất lượng, uy tín quốc tế là yếu tố sống còn... Vai trò, sứ mệnh của trường ĐH phải là nơi ươm tạo, nuôi dưỡng những tài năng trong sinh viên, tạo môi trường thuận lợi nhất để hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo gắn với ý thức trách nhiệm xã hội vì cộng đồng”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.