Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là khái niệm không còn xa lạ gì đối với các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Sau khi Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-5-2016 được phê duyệt đã tạo lập được môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng lần thứ 4- Surf 2019. Ảnh: TUẤN ANH |
Với việc xác định xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm KNĐMST của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và từng bước triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, kế hoạch, chương trình và các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, KNĐMST đã được ban hành và tổ chức thực hiện.
Điển hình, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” giai đoạn 2017 - 2018; tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 18-1-2019 của UBND thành phố về việc thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố năm 2019 và thông báo cho các sở, ban, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã phê duyệt.
Đặc biệt trong năm 2019, Đà Nẵng đã tổ chức thành công hội nghị và triển lãm khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 - Surf 2019, thu hút được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 40 diễn giả trong và ngoài nước, 46 dự án tham dự tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp, 83 gian hàng triển lãm, 18 nhà tài trợ, 53 cơ quan thông tấn báo chí dự và đưa tin, hơn 2.000 khách trong nước và quốc tế tham dự.
Một trong những sự kiện của Surf 2019 là ra mắt Quỹ đầu tư khởi nghiệp Đà Nẵng do ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Mạnh 579 cùng các cổ đông sáng lập. Đây là kết quả của tọa đàm “Kết nối nhà đầu tư và giải pháp hỗ trợ cho startup”, Quỹ đầu tư khởi nghiệp Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế đang có và những thành quả bước đầu mà Đà Nẵng đạt được chỉ là một bước “nhảy vọt” trên con đường dài phát triển của quá trình khởi nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên là phải kết nối được mạng lưới KNĐMST với mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST như: Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và một số doanh nghiệp KNĐMST tiềm năng. Đặc biệt, Đà Nẵng có các cơ sở giáo dục đại học uy tín bao gồm hệ thống 15 trường đại học công và tư khá tốt với tầm hoạt động rộng khắp nhiều tỉnh; các viện nghiên cứu khoa học công nghệ và một lượng lớn đội ngũ cán bộ, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên khắp các lĩnh vực. Tại các trường đại học cũng thành lập riêng các trung tâm khởi nghiệp dành cho sinh viên.
Chẳng hạn như Trung tâm Khởi nghiệp Đại học Duy Tân, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng kết hợp với Sông Hàn Incubator hoạt động ngay trong trường… Để Đà Nẵng trở thành trung tâm hỗ trợ KNĐMST cho hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, điều kiện cần thiết không chỉ từ sự hỗ trợ của chính quyền, hệ thống cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… mà Đà Nẵng còn phải kết nối được các mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Hiện tại, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị “Techmart online Đà Nẵng” (Techmartdanang.vn) để kết nối thông tin khoa học và công nghệ trên cả nước. Sàn giao dịch đảm nhận nhiệm vụ kết nối cung cầu công nghệ, gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý và sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ KNĐMST và công nghệ được tích hợp trên trang thông tin Khoa học và công nghệ Đà Nẵng.
Tuy nhiên, để phát huy các điều kiện cần đang có tại Đà Nẵng và việc kết nối các nhà đầu tư, các startup, doanh nghiệp và các mạng lưới khởi nghiệp trong và ngoài nước, Đà Nẵng cần tiếp tục chú trọng đến công tác truyền thông, thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp (SURF, Techdemo, Techfest Vietnam…) và đặc biệt là công tác đào tạo khởi nghiệp. Từ đó, Đà Nẵng mới có thể trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
TUẤN ANH