Với việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, một số mô hình sản xuất rau, hoa trên địa bàn huyện Hòa Vang tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên bên cạnh đó, những mô hình này vẫn đối mặt với không ít khó khăn, nhất là vấn đề vốn đầu tư.
Mô hình hoa công nghệ cao của ông Trần Dũng Quốc tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu. Ảnh: MAI HIỀN |
Chính thức bắt tay vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC vào tháng 7-2017, Hợp tác xã rau-hoa-củ-quả Hòa Vang do ông Nguyễn Thắng cùng bạn của ông triển khai tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) có tổng diện tích khoảng 1ha, đến nay mô hình này đã được mở rộng lên 2ha cũng tại thôn Trung Nghĩa và một mô hình rộng khoảng 1ha tại thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú).
Chỉ riêng mô hình 2ha tại thôn Trung Nghĩa đã được đầu tư 13 nhà màng trên một nửa diện tích; 1.200m2 sản xuất theo phương pháp thủy canh với các loại rau xà lách, cải; 8.000m2 dùng trồng rau trên giá thể là xơ dừa, trấu với các loại dưa lưới, dưa leo Nhật, dưa bao tử, cà chua. Bên cạnh đó còn có hoa ly, hoa đồng tiền được trồng trực tiếp trên đất trong nhà màng và một số loại được trồng bên ngoài như: cà tím, rau muống, bầu, bí. Trong khoảng 1 tháng tới, ông Thắng dự kiến đầu tư thêm 3 nhà màng tại mô hình này.
Ông Thắng cho hay: “Trong vụ Tết Canh Tý vừa qua, các mặt hàng vườn của tôi bán ra thị trường gồm có: hoa ly, hoa đồng tiền (bán theo chậu hoặc cắt cành), dưa leo Nhật, dưa bao tử, khổ qua, xà lách. Nếu năm ngoái hàng bán phục vụ Tết vẫn còn tồn thì năm nay, đến khoảng 28, 29 tháng Chạp đã bán sạch. Những ngày cuối năm, không khí mua-bán ở đây chẳng khác gì ngoài chợ, đông vui, nhộn nhịp lắm”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), một số mặt hàng sau Tết gặp khó khăn trong tiêu thụ, điển hình là dưa leo. Nhờ được chăm sóc tốt nên dưa leo đạt năng suất cao hơn dự kiến dẫn đến hàng bị dôi ra sau khi đã cung cấp cho các đơn hàng đặt trước. Ông Thắng phải đem ra các chợ bán nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế đi chợ dẫn đến tiêu thụ khá chậm.
Ông Thắng cũng chia sẻ: “Sắp tới thời tiết bắt đầu chuyển sang nắng nóng, với tôi đó là một thuận lợi. Dân gian hay bảo rằng “nắng tốt dưa” nên điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ rất thuận lợi cho việc trồng dưa lới. Đây cũng là sản phẩm được thị trường ưa chuộng trong mùa nắng nóng. Dưa lưới có thể chịu được nhiệt độ trên 40 độ C”. Hàng nông sản tại đây được cung cấp chủ yếu cho thương lái và một số cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị Big C.
Cũng bắt đầu bén duyên với việc trồng hoa treo ứng dụng CNC vào năm 2017 tại thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu), vườn hoa của ông Trần Dũng Quốc được huyện hỗ trợ xây dựng nhà kính với hệ thống tưới tiêu tự động, chuyên trồng hoa dừa cạn và hoa dạ yến thảo. Nhờ đó, thay vì phải sử dụng nhiều nhân công như giai đoạn trồng hoa súng trước đó, với tổng diện tích vườn khoảng 3.000m2, ông Quốc chỉ cần 2 nhân công; đồng thời, việc được trồng trong nhà kính còn giúp hoa hạn chế bệnh đến 80%, góp phần nâng cao chất lượng hoa.
Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm của hoa dừa cạn cũng như hoa dạ yến thảo chỉ hơn 75%, hoa rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đặc biệt là mưa kéo dài đang đặt ra cho ông Quốc nhiều thách thức. Ông Quốc chia sẻ: “Mỗi tháng, vườn của tôi gieo khoảng 2.000 hạt giống nhưng phải may mắn lắm mới bán được hết 2.000 chậu. Chuyện gieo 2.000 hạt giống nhưng chỉ bán được 1.000 chậu, 1.000 chậu còn lại bị hư phải bỏ đi là bình thường.
Lá chỉ cần chuyển vàng là phải bỏ. Vụ hoa Tết Kỷ Hợi 2019, do ảnh hưởng của mưa kéo dài nên tôi bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Còn vụ hoa Tết Canh Tý năm nay thì tôi khi gieo khoảng 5.000 hạt giống, bị hư khoảng 2.000 chậu, bán được khoảng 3.000 chậu, thu về khoảng hơn 100 triệu đồng”. Ngoài ra, với ông Quốc, vốn đầu tư là một khó khăn lớn. Ông Quốc cho hay: “Biết thị trường Tết có nhu cầu tiêu thụ hoa cao nên tôi muốn đầu tư số lượng lớn nhưng vốn không có. Tôi phải đi vay nóng, chỉ dám đầu tư chừng mực”.
Nhìn chung, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đem lại rất nhiều thuận lợi song vẫn chưa thể giải quyết được tất cả những khó khăn trong quá trình sản xuất. Vẫn còn những mô hình rất cần sự hỗ trợ về vốn.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trong vụ đông-xuân 2019-2020, tổng diện tích sản xuất rau trên địa bàn huyện là 42,6ha. Các vùng chuyên canh rau đã tổ chức sản xuất rau vụ đông ở hầu hết các diện tích, cụ thể: Cẩm Nê (7,5ha), Yến Nê (2ha), Túy Loan (8ha), Thạch Nham Tây (2ha), Phú Sơn 3 (1,3ha), Giáng Nam 1 (2ha), Ninh An (2ha), Phước Hưng (1,5ha), Phú Sơn Nam (11ha). Các mô hình sản xuất rau CNC tổ chức sản xuất hết diện tích (Greentech: 0,3ha; các mô hình rau CNC Hòa Phú: 2,2ha; các mô hình rau CNC Hòa Ninh: 2,8ha) Các vùng chuyên canh hoa sản xuất ổn định, số lượng, chủng loại phong phú tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Các nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch, đang tiến hành xuất bán. Tổng diện tích chuyên canh hoa Tết là: 19,72ha, với gần 100 hộ sản xuất, sản lượng đạt 417.892 chậu, 132.190 cây, gồm các loại hoa cúc, hoa ly, hoa hướng dương, hoa vạn thọ, các loại hoa thảm, hoa trêu, cây trang trí, hoa lan cắt cành, hoa đồng tiền. |
MAI HIỀN