Có một thời, nhiều nghiên cứu khoa học bị xem là chỉ để... cất tủ bởi không có chỗ ứng dụng. Tuy nhiên, một khi cơ quan Nhà nước đã có cơ chế hợp lý, người làm khoa học có sự đầu tư về mặt học thuật thì khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn sẽ được rút ngắn.
Nhóm nghiên cứu chế tạo bộ chuyển đổi năng lượng một chiều của pin quang điện trình bày đề án trước Hội đồng khoa học của Sở Khoa học & Công nghệ. Ảnh: Sở Khoa học & Công nghệ cung cấp |
Cuối tháng 1 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp thành phố “Nghiên cứu chế tạo bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC nhằm nâng cao hiệu suất hệ thống pin quang điện”. Chủ nhiệm đề tài là TS. Dương Minh Quân (Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng). Chia sẻ về động lực thực hiện đề tài nghiên cứu này, TS. Dương Minh Quân cho biết: “Những năm gần đây, năng lượng tái tạo - đặc biệt là năng lượng mặt trời - được rất nhiều sự quan tâm nhờ khả năng cung cấp điện năng lớn, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên và yêu cầu về điện năng sử dụng. Bộ điều khiển năng lượng một chiều là một trong những yếu tố có khả năng nâng cao hiệu suất của hệ thống chuyển đổi”.
Trong 1 năm, nhóm nghiên cứu này đã phân tích các bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC hiện có trên thị trường, nghiên cứu thuật toán bám điểm công suất cực đại (MPPT) và đưa ra mô hình mô phỏng. Sản phẩm nghiên cứu của đề tài là 2 bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC công suất 20W và 1.650W, được chế tạo và hoàn thiện trong phòng thí nghiệm và trong môi trường công nghiệp tại Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Sở KH&CN, kết quả nghiên cứu đề tài có tính mới, sáng tạo và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhóm nghiên cứu cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm có tính thực tiễn cao, có thể thương mại hóa. Hiện bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC loại công suất 20W của nhóm nghiên cứu đã được Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước lắp đặt tại các trạm quan trắc đo mưa tự động cảnh báo lũ lụt. Theo đánh giá ban đầu, sản phẩm hoạt động ổn định và có hiệu suất cao hơn so với bộ chuyển đổi tương tự của nước ngoài mà công ty này đã sử dụng.
Nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu bộ chuyển đổi năng lượng một chiều DC/DC chỉ là 1 trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại Đà Nẵng được đưa vào cuộc sống. Theo thông tin từ Sở KH&CN, năm 2019, Đà Nẵng có 33 đề tài nghiên cứu cấp thành phố, 100% được thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Giám đốc Sở KH&CN Thái Bá Cảnh cho biết, khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sở thông báo rộng rãi về việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và thường xuyên tiếp nhận các đề xuất, đặt hàng nghiên cứu. Do vậy, các đề tài đều xuất phát từ những bài toán trong thực tế. Bên cạnh đó, công tác triển khai, áp dụng kết quả nghiên cứu sau khi đề tài được nghiệm thu cũng rất được quan tâm. Năm 2019, bên cạnh các nhiệm vụ được ứng dụng trực tiếp tại các đơn vị chủ trì, Sở KH&CN đã bàn giao kết quả nghiên cứu của 13 đề tài cho 24 đơn vị ứng dụng khác để tham khảo, sử dụng phục vụ công tác quản lý, công tác chuyên môn của ngành, đơn vị.
Trong lĩnh vực khoa học y dược, các đề tài nghiên cứu tập trung về dược liệu, phát triển y học cổ truyền, ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đa số các kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp tại các bệnh viện, cơ sở điều trị và các cơ quan quản lý y tế của thành phố. Trong đó, điển hình như việc nghiên cứu bào chế thành công viên “Sâm nhung tán dục đơn” nhằm điều trị cho bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, được áp dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền; nghiên cứu áp dụng thành công công nghệ nano để bào chế viên nang mềm chứa hệ tiểu phân nano nang hóa cao giúp phòng và điều trị sỏi thận, sỏi mật, được áp dụng tại Công ty CP Dược Danapha; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi...
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các nghiên cứu tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của thành phố. Giữa năm 2019, Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai và đưa vào ứng dụng đề tài “Nghiên cứu xác định tập đoàn cây trồng chịu lửa và quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng tại địa phương”. 4 loại cây trồng có khả năng chịu nhiệt cao được chọn gồm vối thuốc, muồng đen, chò đen và lộc vừng được trồng hỗ giao thành đường băng xanh tại Tiểu khu 44 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang).
Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Phạm Thị Kim Thoa (Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng). Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm thành phố, mô hình này có nhiều triển vọng lớn. Nhờ tính chịu nhiệt, đường băng xanh sẽ góp phần ngăn nguy cơ lửa cháy từ vùng ven lan vào vùng rừng tập trung, đồng thời tăng độ ẩm không khí, giảm tác hại khí hậu. Bên cạnh đó, kết hợp mô hình này với việc trồng rừng thay thế cũng sẽ tạo sinh kế cho người dân địa phương, nâng cao ý thức cho các chủ rừng.
Trong năm nay, thành phố sẽ tập trung đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN phù hợp với đặc thù và nhu cầu phát triển của thành phố; đồng thời thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Các tổ chức KH&CN cũng được khuyến khích liên kết với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực; sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước trong triển khai cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ để thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
PHONG LAN