LTS: Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, tối ưu hóa lợi thế về thời gian, chi phí, tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ - chính quyền điện tử. Đây được xem là xu thế không thể đảo ngược, hứa hẹn mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng phát triển đột phá. Với mục đích thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế số tại thành phố, bắt đầu từ số báo này Báo Đà Nẵng giới thiệu đến bạn đọc chuyên mục: CHUYỂN ĐỔI SỐ. Chuyên mục này được thực hiện thường kỳ vào ngày thứ Tư tuần thứ 2 và tuần thứ 4 của tháng.
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã thực hiện chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp về điều độ cấp nước; quản lý tiêu chuẩn chất lượng lẫn hoạt động chăm sóc khách hàng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Mở cánh cửa cho chuyển đổi số
Chuyển đổi số được xem là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là bàn đạp để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm “mở” cánh cửa cho chuyển đổi số đã được ban hành. Đáng chú ý là Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Một nội dung cốt lõi trong Nghị quyết số 52 là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp với việc thúc đẩy chuyển đổi số thông qua phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tháng 6-2020, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu kép của Chương trình là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực toàn cầu với việc tập trung phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Con người là trung tâm và thể chế chính là động lực của hoạt động chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhiều chính sách liên quan thúc đẩy chuyển đổi số cũng đã được Chính phủ ban hành như: Nghị quyết về Chính phủ điện tử, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ... đang tạo nên nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam.
Theo Cục Tin học thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Các chuyên gia nghiên cứu của Tập đoàn FPT thì định nghĩa, chuyển đổi số trong DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN.
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chính quyền điện tử mà hoạt động đăng ký thành lập DN qua mạng cũng phát triển nhanh, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ phát triển 4 loại hình DN công nghệ số: các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng sang công nghệ số, đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ lõi; các DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số; DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số. Và trên thực tế, nhiều DN lớn sau một thời gian tích lũy đã đủ nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, trở thành các trụ cột chính thúc đẩy chuyển đổi số.
Khởi động hoạt động chuyển đổi số
Tại thành phố Đà Nẵng, nhằm trang bị các kiến thức về cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), ngày 15-11-2020, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề cho cán bộ chủ chốt với chủ đề chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động thúc đẩy chương trình chuyển đổi số ở thành phố. Cụ thể, ngày 22-1, sở đã ký kết hỗ trợ thí điểm triển khai chuyển đổi số với các doanh nghiệp và UBND một số phường, xã. Nội dung ký kết hỗ trợ thí điểm triển khai chuyển đổi số nhằm thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố trong việc xác định ứng dụng công nghệ thông tin là “công cụ” lõi để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý; tập trung vào việc lấy “người dân là trung tâm của chuyển đổi số”; hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia; cung cấp tiện ích thông minh mang đến cho người dân, làm thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả cho người dân...
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, năm 2021 ngành tập trung vào nhiệm vụ tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Ông Thanh cho rằng, các DN tập trung vào chuyển đổi số không cần giải pháp kỹ thuật hay đầu tư hạ tầng. Hiện thành phố Đà Nẵng đã xây dựng khung kiến trúc tách bạch giữa đề án xây dựng “thành phố thông minh” và đề án xây dựng “chính quyền điện tử”. Khung kiến trúc công nghệ thông tin này cho phép các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai ứng dụng; đồng thời bảo đảm an toàn thông tin.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thông tin - truyền thông năm 2021 vào ngày 22-1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam chỉ đạo sở phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng ban hành các Đề án “Chuyển đổi số đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030”; huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: * Kinh tế số chiếm 20% GDP; * Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; * Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; * Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); * Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI); * Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). * Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; * Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; * Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; * Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). |
TRIỆU TÙNG