Triển lãm các giải pháp chuyển đổi số vì lợi ích người dân

.

Giữa tháng 4 vừa qua, Triển lãm Sáng kiến đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII Digital Expo) diễn ra trên trang web https://cpiivietnam.org/. Đây là mô hình triển lãm trực tuyến được phát triển từ chương trình Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP).

CPII Digital Expo là trang web với tính tương tác cao giúp các cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký, tập hợp, trưng bày và lan tỏa các sáng kiến đã được triển khai hoặc đang trong phạm vi ý tưởng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Mục đích của CPII Digital Expo là tìm kiếm, phát triển và nhân rộng các sáng kiến có sự cam kết của lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quản trị Nhà nước và chuyển đổi số vì lợi ích của người dân.

Qua đó, UNDP mong muốn góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và đổi mới sáng tạo trong khu vực công, lan tỏa tinh thần “lấy người dân làm trung tâm” trong quản trị Nhà nước, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong chương trình nghị sự 2030 và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giai đoạn đầu của Sáng kiến đổi mới sáng tạo vì người dân sẽ kéo dài đến tháng 8, do UNDP phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thực hiện. Mục tiêu trong giai đoạn này là xây dựng triển lãm số để các địa phương trưng bày, chia sẻ các sáng kiến trong quản trị Nhà nước và chuyển đổi số. Kết thúc giai đoạn đầu, UNDP sẽ lựa chọn 3-5 sáng kiến phù hợp để hỗ trợ kỹ thuật và tài chính với khoản tài trợ trị giá 20.000 USD/năm, trong tối đa 2 năm để thực hiện.

Các cá nhân, tổ chức đang sinh sống, hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố đều có thể đăng ký tài khoản trên trang web https://cpiivietnam.org/ để nộp sáng kiến. Sáng kiến sau khi nộp sẽ được sàng lọc và đánh giá mức độ phù hợp để đưa vào gian triển lãm số hoặc gian cộng đồng. Sáng kiến cần bổ sung, cải thiện sẽ được phản hồi cho người nộp sáng kiến; sáng kiến không phù hợp sẽ được phản hồi về việc từ chối sáng kiến.

P. LAN

;
;
.
.
.
.
.