Nhiều tiềm năng từ nuôi trồng nấm mối đen

.

Năm 2021, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ ‘‘Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nuôi trồng thương phẩm nấm mối đen”. Qua đó đánh giá hiệu quả phát triển của nấm để chuyển giao công nghệ cho các hộ dân trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Kỹ sư Trạm thực nghiệm và dịch vụ khoa học công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng kiểm tra chất lượng các bịch phôi nấm. 			  	             Ảnh: M.QUẾ
Bà Trần Thị Thu Thủy, Kỹ sư Trạm thực nghiệm và dịch vụ khoa học công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng kiểm tra chất lượng các bịch phôi nấm. Ảnh: M.QUẾ

Nấm mối đen hiện được nuôi trồng tại một số nơi trên cả nước vì giá trị dinh dưỡng cao cũng như mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng. Loại nấm này có thịt bên trong màu trắng, vị ngọt, giàu chất xơ hơn nhiều loại rau và hạt cùng nhiều công dụng cho sức khỏe nên có giá thành khá cao, khoảng hơn 300.000 đồng/kg, gấp 3-5 lần so với các loại nấm khác như như nấm bào ngư, nấm rơm...

Tuy nhiên, tại Đà Nẵng vẫn chưa có mô hình sản xuất nấm mối đen nào đem lại hiệu quả cao nhất. Để đánh giá khả năng thích nghi, đặc điểm sinh trưởng và năng suất, chất lượng của loại nấm này, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đang sản xuất và nuôi trồng với quy mô 2.000 bịch phôi nấm mối đen từ 5 nguồn giống nấm khác nhau từ các tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Đồng Nai, Lâm Đồng..., qua đó lựa chọn giống nấm phù hợp nhất với khí hậu Đà Nẵng.

Bà Trần Thị Thu Thủy, kỹ sư Trạm thực nghiệm và dịch vụ khoa học công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho hay, nấm mối đen cũng được nuôi trồng trên các bịch phôi như những loại nấm khác. Mỗi bịch phôi nấm có trọng lượng khoảng 1kg, có thể thu hái được 3-5 lần trên một bịch phôi nấm. Nguyên liệu tạo phôi nấm được trộn từ hỗn hợp mùn cưa, cám bắp, cám gạo và đóng bịch. Được biết, làm bịch phôi nấm có vai trò khá quan trọng để tạo nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp nấm tăng trưởng mạnh.

Trung tâm bắt đầu sản xuất các bịch phôi nấm mối đen từ tháng 7-2021, từ khi sản xuất bịch phôi nấm đến khi thu hái nấm thành phẩm mất khoảng 4-5 tháng, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng, phải bảo đảm sạch hoàn toàn. Sau khi thu hoạch nấm phải xử lý tốt khâu khử trùng môi trường cho đợt trồng tiếp theo.

Quá trình nuôi trồng bắt đầu từ việc phân lập quả thể nấm tươi, kiểm tra chất lượng giống trước khi cấy chuyển qua môi trường hạt, cấy giống hạt qua mùn cưa, ươm sợi tơ nấm và loại những bịch phôi không bảo đảm chất lượng, chăm sóc và rải đất lên bề mặt bịch phôi, tạo độ ẩm phù hợp để hình thành nấm và cuối cùng là thu hái nấm. Nhiệt độ trồng nấm trong nhà dao động 24-28 độ C, độ ẩm 86-92%. Nấm mối đen mọc đơn lẻ nên khi cây nào đủ trưởng thành sẽ được hái trước, hái sạch gốc. Nấm cao khoảng 7-10cm là thu hoạch được, viền trắng nấm không còn nữa, màu cánh nấm chuyển sang màu đen.

Đến nay, một số bịch phôi nấm mối đen đã hình thành nấm thành phẩm với chất lượng bảo đảm. Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng Phạm Châu Huỳnh cho hay, mô hình sản xuất nấm mối đen bước đầu cho thấy triển vọng tốt, nâng chất lượng và đa dạng hóa các loại nấm có trên thị trường. Qua đó, kỳ vọng sau thời gian thử nghiệm nuôi trồng sẽ xây dựng được quy trình sản xuất nấm mối đen thương phẩm và xây dựng thành công thương hiệu nấm mối đen của trung tâm trên thị trường tiêu thụ.

Ngoài nuôi trồng nấm mối đen, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đang triển khai nuôi trồng một số loại nấm khác như lai tạo nấm bào ngư tím và bào ngư trắng để tạo ra được giống nấm vừa có năng suất và giá thành cao hơn, hay trồng nấm linh chi trên khúc gỗ cây keo...

Được biết, các mô hình nếu cho kết quả tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như tận dụng nguồn lực tại chỗ và chi phí nuôi trồng thấp hơn.

“Hiện người trồng nấm ở Đà Nẵng không nhiều và quy mô cũng nhỏ, lẻ; nấm cũng không đa dạng. Việc xây dựng các mô hình sản xuất giống nấm trên hứa hẹn sẽ tạo ra các giống nấm mới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu của Đà Nẵng. Định hướng lâu dài hơn là mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân với hiệu quả kinh tế cao, góp phần cung ứng nguồn nông sản sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng”, ông Huỳnh chia sẻ.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.