Công nghệ
Các quốc gia có tỷ lệ nghiện điện thoại thông minh cao nhất trên thế giới
Một nghiên cứu mới đã tiết lộ các quốc gia có tỷ lệ nghiện điện thoại thông minh cao nhất trên thế giới.
Ảnh minh hoạ: Shutterstock |
Theo trang Daily Mail (Anh), tỷ lệ người sở hữu điện thoại thông minh và thời gian sử dụng điện thoại ngày càng tăng trên toàn thế giới, nhưng có rất ít nỗ lực ước tính mức độ “nghiện” điện thoại thông minh trên quy mô toàn cầu.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill (Canada) đã sử dụng dữ liệu về việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức từ năm 2014 đến năm 2020 ở khoảng 34.000 người tham gia trên 24 quốc gia thế giới. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Computers in Human Behavior.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Trung Quốc, Saudi Arabia và Malaysia có tỷ lệ “nghiện” điện thoại thông minh cao nhất, trong khi Đức và Pháp có tỷ lệ thấp nhất thế giới. Anh chỉ đứng thứ 16 trong số 24 quốc gia, trong khi Mỹ xếp thứ 18.
“Chúng tôi đã tiến hành phân tích tổng hợp về tình trạng “nghiện” điện thoại thông minh, tập trung vào những người trưởng thành trẻ tuổi. Việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều đã tăng trên toàn thế giới từ năm 2014 đến năm 2020 và chúng tôi tin rằng xu hướng này còn tiếp tục gia tăng”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu dựa trên Thang điểm nghiện điện thoại thông minh (SAS). SAS là thước đo mức độ “nghiện” điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi nhất, để nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại thông minh gây rối loạn cuộc sống hàng ngày, mất kiểm soát và các triệu chứng. Những người tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 15 đến 35. Độ tuổi trung bình là 28,8 tuổi và hầu hết những người tham gia là nữ (khoảng 60%).
Trong thang điểm từ 10 đến 60, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ “nghiện” điện thoại thông minh cao nhất, với 36/60 điểm. Malaysia xếp ở vị trí thứ 2, với 35,43/60 điểm. Theo sau là Brazil và Hàn Quốc với số điểm lần lượt là 32 và 31,62 điểm. Canada cũng đứng ở vị trí khá cao, với 31,11/60 điểm, xếp ở vị trí thứ 7 và vượt xa các nước láng giềng như Mỹ.
Trước đó, theo nghiên cứu được công bố bởi Trường Đại học Kent (Australia), các nhà khoa học xác định có 3 nguyên nhân liên quan tới việc nghiện điện thoại thông minh, gồm nghiện internet, sợ bỏ lỡ thông tin và thiếu tự chủ.
Nhìn chung, kết quả cho thấy tình trạng sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều đang gia tăng trên toàn thế giới, điều này có thể gây ra các hậu quả tâm lý. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra thanh thiếu niên nghiện điện thoại thông minh có nhiều khả năng bị rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo âu. Không chỉ vậy, nghiên cứu còn chỉ ra hệ lụy của việc nghiện điện thoại thông minh chính là sự lạnh nhạt với những người xung quanh, bao gồm cả người thân, bạn bè.
Các tác giả nghiên cứu kết luận: “Khi các tổ chức chỉ theo dõi các thước đo khách quan như tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh và thời gian sử dụng thiết bị này, điều quan trọng là phải đánh giá các khía cạnh chủ quan và hậu quả tâm lý của sự gia tăng này. Chúng tôi hy vọng kết quả này sẽ giúp các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có thể ước tính và dự đoán những ảnh hưởng của tình trạng sử dụng điện thoại thông minh quá mức trên toàn thế giới.”
Nhóm nghiên cứu gần đây cũng đã ra mắt trang web để công chúng tự đánh giá mức độ nghiện điện thoại thông minh của bản thân và so sánh với những người khác trên khắp thế giới. Trang web cũng đưa ra các khuyến nghị cho những người muốn giảm thời gian sử dụng thiết bị của họ và tham gia các hoạt động thay thế lành mạnh hơn.
Theo Báo Tin tức