Từ quá trình cải tiến hoạt động những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã nhận ra rằng chuyển đổi số là chặng đường không trải hoa hồng mà có thể đầy rẫy khó khăn, đòi hỏi thay đổi tư duy sâu sắc.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo về chuyển đổi số báo chí ngày 11-6. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cho báo chí nhận ra rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần phải bắt tay vào làm ngay. Quá trình đó đã mang tới cho các đơn vị báo chí trải nghiệm đầy khó khăn, vấp váp thậm chí cả những sai lầm.
Trong bối cảnh đó, ngày 11-6, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam-Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm tăng cường đối thoại, tìm kiếm sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.
Khó khăn bủa vây
Cách đây 5 năm, nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now (Đài truyền hình VTC) và các cộng sự của mình đã tiến hành nghiên cứu các hãng truyền hình lớn trên thế giới xem họ có gì mới và học hỏi xem làm thế nào để “đưa truyền hình lên Internet.” Nhưng rồi họ nhận ra bức tranh “chuyển đổi số” có nhiều gam màu trầm, chứ không hào nhoáng, rực rỡ như cái tên của nó.
Năm 2018, họ những tưởng “kỳ tích” chuyển đổi số xuất hiện khi VTC độc quyền tường thuật Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 2018) trên đầy đủ các nền tảng phát sóng của đài.
Nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now (Đài truyền hình VTC). (Ảnh: SJC) |
“Gần 2 triệu người dùng nhanh chóng cài đặt ứng dụng của chúng tôi. Chúng tôi cũng vươn lên đứng đầu trên các bảng xếp hạng của Google Play và App Store trong vòng 2 tuần liên tiếp,” nhà báo kể lại.
Thế rồi những khoản chi phí vận hành khổng lồ khiến VTC Now đối đầu với một bài toán đầy nghịch lý: Nội dung càng tốt, người xem càng đông thì chi phí càng cao trong khi khả năng tạo nguồn thu bù đắp là vô cùng hạn hẹp.
“Lúc đó, triệu like, nghìn view không có ý nghĩa gì cả vì thị trường quảng cáo có cách vận hành không giống như lý thuyết về các mô hình chuyển đổi số hiện đại,” nhà báo Nguyễn Lê Tân nói.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, tờ báo tiên phong thực hiện chuyển đổi số và thu phí độc giả, cũng thừa nhận rằng việc chuyển đổi số có rất nhiều khó khăn. Lý do là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây, phần lớn bạn đọc chuyển sang nghe, xem trên các phương tiện số. Bên cạnh đó, báo chí còn chịu sự lấn át của truyền thông xã hội.
Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của nhiều đơn vị (đặc biệt là các tòa soạn vừa và nhỏ, các cơ quan báo chí ở địa phương) chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều, trừ một số tòa soạn có đội ngũ công nghệ đứng sau.
“Việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, câu chuyện lợi nhuận quảng cáo về túi các ‘ông lớn’ Google, Facebook... rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan. Đó là những khó khăn bủa vây nỗ lực chuyển đổi số của các cơ quan báo chí,” nhà báo Trần Tiến Duẩn chia sẻ.
Bản tiếng Việt Báo cáo Toàn cầu về Đổi mới sáng tạo trong báo chí. (Ảnh: TTXVN) |
Yếu tố quyết định là con người
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
Ở vai trò của cơ quan Nhà nước, ông Lâm cho rằng vấn đề không phải là đầu tư tiền ngân sách mà là khả năng kéo các chủ thể liên quan vào để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.
Chia sẻ giải pháp của VTC Now, nhà báo Nguyễn Lê Tân cho hay cần tập trung vào sản xuất nội dung tốt chứ không phải là chỉ đầu tư thiết bị công nghệ, mà muốn nội dung tốt thì yếu tố quyết định là con người.
Lấy ví dụ các video ca nhạc hay clip trên TikTok thật sự hấp dẫn dù chỉ được sản xuất bằng điện thoại, nhà báo Nguyễn Lê Tân khẳng định đó là minh chứng cho thấy chuyển đổi số không phải một cuộc cách mạng khủng khiếp về công nghệ và thiết bị mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ.
Nhà báo nói thêm rằng việc thu thập dữ liệu độc giả ngày càng quan trọng bởi thời đại ngày nay, nếu không tìm đúng độc giả thì nội dung có hấp dẫn đến đâu cũng không lan tỏa được.
“Nếu với báo chí truyền thống, bạn muốn đọc tin, bạn cần đi tìm mua báo, tức là người đi tìm tin. Còn với báo chí trên mạng xã hội, máy tính đã thu thập thói quen của bạn và đề xuất những tin tức hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu, tức là tin đi tìm người,” ông nói.
Báo điện tử VietnamPlus là đơn vị tiên phong thực hiện thu phí người dùng. (Ảnh chụp màn hình) |
Cùng chung quan điểm đó, nhà báo Trần Tiến Duẩn cho hay việc hiểu rõ người dùng sẽ giúp VietnamPlus đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng độc giả mà mình đang phục vụ.
“Việc thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp báo chí hiểu rõ hơn độc giả của mình, từ đó đề ra những chiến lược nội dung cũng như chiến lược kinh doanh tốt hơn. Qua theo dõi công cụ Google Analytics, tòa soạn VietnamPlus đã có những sự điều chỉnh kịp thời để tăng traffic, phát triển những tuyến nội dung chuyên sâu mà độc giả quan tâm,” ông nói.
Tuy nhiên, Analytics chỉ là công cụ miễn phí, không thể cung cấp những báo cáo chuyên sâu. VietnamPlus cũng đã hợp tác với công ty công nghệ Insider (từ 2020), Taboola (2022) trong việc thu thập dữ liệu người dùng để chọn lựa những tin tức đặc sắc và gửi trực tiếp cho độc giả qua hình thức Newsletter và Webpush, giúp lan tỏa thông tin, giữ chân và phát triển lượng độc giả trung thành.
Theo báo cáo 2021-2022 của WAN-IFRA (Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới), tăng trưởng của quảng cáo kỹ thuật số năm 2021 là 16,5%, lợi nhuận từ độc giả là 14,3%, tỷ lệ nghịch với quảng cáo và doanh thu từ báo in. Do đó, báo VietnamPlus tiếp tục xác định việc thu phí độc giả là bước đi mang tính chiến lược để hướng tới phát triển bền vững.-.
Theo Vietnam+