Công nghệ
Xu hướng truyền thông "đo ni đóng giầy"
Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp từ sống sót đến bứt phá sau Covid-19.
Chúng ta đều biết rằng việc áp dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, trong đó hoạt động truyền thông không ngoại lệ. Tuy nhiên, để thay đổi một phương thức truyền thông truyền thống sang phương thức truyền thông mới trên nền tảng số đòi hỏi những người làm truyền thông phải thay đổi tư duy để tạo ra những sản phẩm mới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực của ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Đồ họa: T.QUỲNH |
Chuyển dịch từ offline sang online…
Sự xuất hiện của hàng loạt các trang web và ứng dụng sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới như Shopee, Lazada, Zalora… khách hàng có thể dễ dàng mua sắm mọi thứ, từ đồ tạp hóa, điện tử, cho đến các dịch vụ giáo dục và đặt phòng khách sạn chỉ với một cú nhấp chuột hoặc những thao tác đơn giản trên thiết bị di động thông minh.
Thói quen và hành vi của người tiêu dùng sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Chính vì điều này khiến cho những người làm truyền thông phải thay đổi phương thức truyền thông để sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông mới phù hợp cho từng nền tảng trên không gian mạng.
Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giai đoạn “hậu Covid-19”. Thói quen mua sắm của người dân vì thế cũng dịch chuyển từng hình thức trực tiếp (offline) sang hình thức trực tuyến (online) hướng mọi hành vi tiêu dùng sang môi trường internet, hạn chế thấp nhất những giao dịch truyền thống.
Đã đến lúc các nhà truyền thông thương hiệu cần từ bỏ các phương thức, mô tuýp, đặc điểm và phân khúc bị động mà trước đại dịch họ thường dùng để định hướng chiến lược và tiếp cận người dùng mục tiêu. Các sản phẩm truyền thông không còn đơn thuần là những bài PR, những phim quảng cáo dài lê thê đăng tải trên các kênh báo - đài mà thay bằng những câu chuyện truyền thông trải nghiệm, những clip, TVC… được kể theo nhiều ngôn ngữ và hình thức khác nhau cho phù hợp với từng nền tảng trên không gian internet.
Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ là trợ thủ đắc lực
Khi người tiêu dùng tập trung vào mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mô hình truyền thông trên nền tảng số. Các nhà truyền thông thương hiệu của tương lai cần phải thích nghi, biến đổi và xoay chuyển chiến lược truyền thông để chuyển tải thông điệp quảng cáo dựa trên thông tin thu thập được từ người tiêu dùng cũng như dựa trên sở thích và thị hiếu của riêng từng người. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên cơ sở dữ liệu lớn (big data) để đưa ra các đề xuất chọn lọc thông minh về sản phẩm, dịch vụ giúp khách hàng hình dung về sản phẩm tốt hơn và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thắc mắc của khách hàng.
Thời gian tới, AI sẽ giúp các công ty thương mại điện tử tìm kiếm khách hàng, phân tích các xu hướng hiện tại cùng với sản phẩm, kênh bán hàng, khách hàng và hành vi của người mua để xác định các kênh mua sắm, thời gian và giá tốt nhất để niêm yết sản phẩm. Sự dịch chuyển này làm cho “đấu trường” truyền thông, quảng cáo trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Các sản phẩm truyền thông, quảng cáo trải nghiệm kết hợp mua sắm đang là một xu hướng khi thị hiếu tiêu dùng thay đổi.
Người làm truyền thông thương hiệu cần tìm ra được mối liên kết giữa nhiều nguồn dữ liệu “để có được phân khúc người dùng linh hoạt và năng động hơn”. Hiện nay, công nghệ AI có thể giúp con người tổng hợp, sắp xếp và phân tích loại dữ liệu này. Người làm truyền thông sẽ có được bộ lọc theo cách thức hoàn toàn mới để có được”phân khúc người dùng linh hoạt, năng động và có thể nhắm mục tiêu theo quy mô”.
Trong tương lai, người làm truyền thông hiện đại sẽ có sự hỗ trợ của công nghệ vận hành bằng dữ liệu lớn (big data), có khả năng tận dụng thông tin và đưa đến những thông điệp nhân văn, thì hoàn toàn đủ sức để đẩy mạnh hiệu quả chiến dịch, và tối ưu hóa tự động hóa theo thời gian thực, để bắt kịp sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong một thế giới mà người tiêu dùng khao khát trải nghiệm và đề cao tính tiện dụng thì người làm truyền thông thương hiệu cần phải nắm chìa khóa “cơ hội nằm ở việc hiểu rõ mẫu số chung và xác định được vấn đề người dùng cần để đưa ra thông điệp chạm vào trái tim của họ”. Người làm truyền thông thương hiệu cần phải có quy trình làm việc dựa trên dữ liệu để hiểu được người dùng đang gặp vấn đề gì, và đưa ra được giải pháp cho vấn đề đó.
Một doanh nghiệp phát triển bền vững và duy trì được sức hút thương hiệu thì điều quan trọng là phải theo dõi và phân tích liên tục các hành trình mới của người dùng theo thời gian thực, từ đó điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ và đưa ra chiến lược truyền thông phù hợp nhằm đáp ứng được nhu cầu người dùng. Các thương hiệu và doanh nghiệp có thể làm được điều này với sự hỗ trợ công nghệ cá nhân hóa dựa trên dữ liệu. Việc phân tích dữ liệu toàn diện giúp hiểu rõ thị hiếu và hành vi của người tiêu dùng, cũng là cơ sở để hoạch định các chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing hay chiến lược truyền thông thương hiệu.
Một chiến lược truyền thông được xây dựng dựa trên các dữ liệu và thông tin chi tiết sẽ phục vụ tốt người tiêu dùng trong bối cảnh thế giới đang không ngừng thay đổi. Nhưng các doanh nghiệp cũng cần tận dụng dữ liệu phân tích để mang lại lợi ích cho toàn hệ sinh thái doanh nghiệp. Người làm truyền thông có thể đang thu thập lượng lớn thông tin người dùng dựa trên hành vi quá khứ của họ, nhưng trong tương lai cần phải tính cả tình hình và kỳ vọng hiện tại của người tiêu dùng, để có thể phục vụ họ tốt nhất, và cuối cùng khiến họ tiếp tục quay trở lại với thương hiệu.
Chính Covid-19 đã làm thay đổi toàn cảnh thị trường, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, và xóa bỏ quy trình làm việc cũ, tức là quy trình từ khiến người dùng cân nhắc sử dụng sản phẩm đến chuyển đổi người dùng thành công. Để bắt kịp tốc độ thay đổi, người làm truyền thông thương hiệu “phải có cách để nắm bắt được, hiểu được - thậm chí là dự đoán được - nhu cầu và đòi hỏi của khách hàng, và việc này phải được làm thường xuyên và chủ động. Vì vậy, doanh nghiệp tập trung chiến lược phát triển thương hiệu trên nền tảng internet phải tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để tiếp cận được với những xu hướng mới, những cơ hội mới trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
PHẠM THU GIANG