Công nghệ

Cái bắt tay 1 triệu USD

08:23, 20/07/2022 (GMT+7)

Vừa qua, Công ty CP EM&AI (đóng tại quận Hải Châu) đã kêu gọi đầu tư thành công 1 triệu USD tại chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 5. Thương vụ này nhận được nhiều sự quan tâm cũng như khẳng định tiềm năng của các startup đến từ Đà Nẵng.

Công ty CP EM&AI (quận Hải Châu) đã kêu gọi đầu tư thành công 1 triệu USD tại chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 5. Ảnh: M.Q
Công ty CP EM&AI (quận Hải Châu) đã kêu gọi đầu tư thành công 1 triệu USD tại chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 5. Ảnh: M.Q

EM&AI là startup mở màn của Shark Tank Việt Nam mùa 5 với hai đại diện từ công ty là anh Lê Ngọc Trí, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP EM&AI và anh Võ Hữu Trường Ân, phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng của công ty. EM&AI kêu gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần để cung cấp ra toàn cầu giải pháp Voicebot AI (tự động gọi điện thoại chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo).

Anh Lê Ngọc Trí thông tin, công ty đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển, triển khai phiên bản tiếng Anh để cung cấp dịch vụ cho toàn cầu với quy mô thị trường ước tính hơn 23,5 tỷ USD. Giải pháp Voicebot AI của công ty mặc dù mới ra mắt tháng 3-2022 nhưng đã có hơn 30 khách hàng với 10.000 cuộc hội thoại diễn ra mỗi ngày bởi AI. Hiện công ty đang áp dụng hai hình thức thu phí: định kỳ 6 hoặc 12 tháng và thu phí theo cam kết. Ngoài Voicebot AI, công ty còn cung cấp các giải pháp khác như AI chatbot; Virtual QC đánh giá tổng đài viên qua môi trường điện thoại; giám sát, hỗ trợ nhân viên theo thời gian thực; gắn nhãn và huấn luyện AI.

Tuy nhiên, sau khi nghe thử cuộc gọi bằng Voicebot AI, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình cho rằng giọng nói của robot chưa được tự nhiên, đồng thời bày tỏ lo ngại vì trí tuệ nhân tạo là thử thách không hề đơn giản cho startup. Ông Bình nhận định thêm, doanh nghiệp đang nắm được nhiều nhất dữ liệu về âm thanh và giọng nói của người Việt Nam là Facebook, Google, Microsoft… khi mỗi ngày có hàng tỷ phút gọi của người Việt qua các ứng dụng của những doanh nghiệp này. Với nguồn dữ liệu lớn như vậy, các doanh nghiệp có thể phát triển ra các robot trí tuệ nhân tạo tự nhiên như con người và họ ở gần vạch đích nhất. Vì thế, ông lo lắng startup sẽ khó cạnh tranh được về mặt sản phẩm. Còn Chủ tịch BIN Corporation Group Lê Hùng Anh và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE Nguyễn Xuân Phú lo ngại về bức tranh tài chính của startup nên từ chối đầu tư.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEN Phạm Thanh Hưng và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne Đỗ Thị Kim Liên lại bày tỏ sự quan tâm về công nghệ của startup. Bản thân công ty của ông Phạm Thanh Hưng đang là khách hàng của EM&AI nên ông sẽ kiểm định lại hiệu quả từ giải pháp mang lại cho công ty mình để hỗ trợ startup sau này, còn trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam thì Tập đoàn CEN không đầu tư.

Sau khi lắng nghe nhận định của các nhà đầu tư khác, bà Đỗ Thị Kim Liên vẫn đánh giá cao giải pháp và đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 35% cổ phần của startup, khi khách hàng cũ của công ty tiếp tục ký hợp đồng mới, trừ tất cả chi phí thì hai bên tiếp tục cùng sở hữu. Trước đề nghị của bà Liên, EM&AI vẫn giữ nguyên đề nghị 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên, anh Lê Ngọc Trí đề xuất bà Liên ký quỹ trước 100.000 USD. Sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt thì EM&AI sẽ hoàn lại toàn bộ tiền. Cuối cùng, bà Liên đồng ý đề xuất này của EM&AI.

Chia sẻ về kinh nghiệm sau khi gọi vốn đầu tư trên Shark Tank với phóng viên, anh Lê Ngọc Trí cho biết, thời lượng của chương trình tương đối ngắn, vì vậy, để chuyển tải được những thông tin quan trọng cốt lõi để các shark (nhà đầu tư trong chương trình) và người xem truyền hình nắm bắt là không hề đơn giản. Đây là điểm mà anh Trí nghĩ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để khán giả hiểu đúng và đủ hơn những giá trị mà các giải pháp của EM&AI có thể mang lại cho từng cá nhân và doanh nghiệp.

Để nhận được cái bắt tay của các shark thì startup cần hiểu rõ khẩu vị của từng shark, giá trị của startup đó có thể đóng góp gì vào hệ sinh thái mà các shark đã có sẵn. Theo đó, startup cần phải “tự sống”, tỷ suất lợi nhuận cao đủ hấp dẫn thì khi tham gia Shark Tank gọi vốn mới nhiều khả năng thành công. Hiện EM&AI đang hợp tác chặt chẽ với đội ngũ của bà Đỗ Thị Kim Liên nhằm cung cấp các giải pháp thực tiễn cho công ty của bà Liên. Những giải pháp như Voicebot AI có thể thay thế nhân viên tư vấn, nhắc hạn thanh toán định kỳ, giúp khách hàng không bỏ lỡ những chính sách tốt nhất từ bảo hiểm.

Trong tương lai, EM&AI chia sẻ tầm nhìn về việc tự động hóa hoàn toàn tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành bảo hiểm, giảm thời gian chờ đợi hỗ trợ của khách hàng đến mức tối đa nhờ công nghệ AI Self-service. Ngoài ra, EM&AI cũng đang làm việc với bà Đỗ Thị Kim Liên trong việc cung cấp các thông tin thẩm định đầu tư.

Mục tiêu của EM&AI sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư là đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và marketing trong 3 năm tới để sản phẩm có thể tiếp cận đến 30% các doanh nghiệp có tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc bán hàng qua điện thoại (telesales) hiện nay; đưa các sản phẩm như Voicebot AI telesales tiếp cận và thay đổi nhìn nhận của cả doanh nghiệp và đại chúng về mức độ thông minh, linh hoạt của các nhân viên ảo AI.

“Thương vụ bạc tỷ” là phiên bản tiếng Việt của chương trình Shark Tank có bản quyền từ Hoa Kỳ, dành riêng cho các startup Việt Nam. Shark Tank Việt Nam phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2017 và đến nay đang lên sóng mùa thứ 5. Theo thống kê, tổng cộng 35 startup nhận được cam kết rót vốn từ 7 nhà đầu tư qua 4 mùa phát sóng, với tổng số vốn rót cam kết hơn 200 tỷ đồng.

MAI QUẾ

.