Hướng tới kho bạc số

.

Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đang tập trung xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số với mục tiêu 3 không: không khách hàng đến giao dịch, không tiền mặt và không chứng từ giấy.

Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đang tập trung xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số.  Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đang tập trung xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số. TRONG ẢNH: Khách hàng giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Tập trung đẩy mạnh liên thông dữ liệu điện tử

3 năm trở lại đây, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng cũng như kho bạc chi nhánh tại các quận, huyện hầu như không có cảnh người chờ làm thủ tục; quầy giao dịch hồ sơ luôn chồng chất giấy tờ chờ kiểm soát, thanh toán; máy đếm tiền tại quầy thu, chi tiền mặt hoạt động hết công suất như trước đây. Đến nay, 100% chứng từ điện tử thanh toán đều thông qua dịch vụ công trực tuyến nên lượng hồ sơ giấy trong giao dịch qua Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng được cắt giảm hầu hết.

Song song với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước triển khai cài đặt phần mềm cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách Nhà nước trên thiết bị di động, thông báo số dư dự toán với gần 90% đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước cài đặt phần mềm. Điều này nhằm bảo đảm cảnh báo sớm các rủi ro, giúp thủ trưởng đơn vị phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động...

Cuối năm 2021, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống gồm: dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS và thanh toán song phương điện tử, góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách. Với việc liên thông 3 hệ thống này, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin chi thường xuyên, kế toán trưởng và lãnh đạo Kho bạc Nhà nước ký duyệt trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và chuyển sang ngân hàng, không cần xử lý thủ công như trước đây. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, tạo thuận tiện cho các bên liên quan, việc thực hiện liên thông còn tránh được các sai sót về số liệu khi nhập số liệu thủ công. Đồng thời, cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách.

Gần đây nhất, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản. Đơn cử như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua Kho bạc Nhà nước phục vụ trực tiếp trong công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua Kho bạc Nhà nước, hay kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và dịch vụ công trực tuyến.

Ông Đào Ngọc Châu, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán, chuyên viên có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót thì hệ thống sẽ ngay lập tức báo trả. Hầu như chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày, thông tin nhanh, chứng từ lưu thông an toàn và tránh được giả mạo vì đã số hóa chữ ký, con dấu.

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt

Từ năm 2009 đến nay, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân sách Nhà nước thông qua tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Số điểm thu hộ ngân sách Nhà nước của ngân hàng thương mại tăng dần theo thời gian, đến nay là 120 điểm thu. Ngoài ra, từ năm 2017, ngoài các hình thức thu truyền thống, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thu ngân sách qua máy POS nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách qua máy POS trên địa bàn thành phố là 258 giao dịch với tổng số tiền 3,34 tỷ đồng.

Từ tháng 5-2022, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã ban hành công văn báo cáo UBND thành phố và thông báo đến các cơ quan thu về việc dừng giao dịch thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng. Trong chi ngân sách Nhà nước, đơn vị đã từng bước chuyển hoạt động chi bằng tiền mặt sang các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán. Theo đó, phối hợp thực hiện giải quyết nhu cầu rút tiền mặt thông qua hệ thống thanh toán song phương điện tử, nhất là các khoản chi từ 100 triệu đồng trở lên trong 1 lần giao dịch.

Ông Phan Quảng Thống, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang triển khai thực hiện bản “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số” theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4-6-2021 của Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống Kho bạc Nhà nước theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là nền móng để hệ thống Kho bạc Nhà nước tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tập trung liên kết, liên thông dữ liệu với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương; củng cố, hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.