Mỹ tạo con đường thứ 2, quyết tâm đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế vào tháng 2-2023

.

Ngày 25-8, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của tàu vũ trụ Starliner sẽ được thực hiện vào tháng 2 năm sau. Nếu thành công, đây sẽ là con đường thứ 2 để Mỹ đưa các nhà du hành vũ trụ lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Tàu vũ trụ Starliner của Boeing sau khi rời Trạm Vũ trụ quốc tế ISS và đáp xuống Cảng vũ trụ White Sands, bang New Mexico, Tây Nam Mỹ, ngày 25/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing sau khi rời Trạm Vũ trụ quốc tế ISS và đáp xuống Cảng vũ trụ White Sands, bang New Mexico, Tây Nam Mỹ, ngày 25-5-2022. Ảnh: TTXVN

Dự kiến, Boeing sẽ đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS để được NASA cho phép thực hiện sứ mệnh này thường xuyên hơn - ước tính là mỗi năm-lần. Theo Giám đốc Chương trình Phi hành đoàn thương mại của NASA, Steve Stich, chuyến bay tới được ấn định sớm nhất là vào tháng 2-2023. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Starliner tại Boeing, Mark Nappi, cho biết họ đã sẵn sàng để tiến hành vụ phóng vào thời điểm đó.

Theo kế hoạch, chuyến bay thử nghiệm mang tên CFT này sẽ đưa các nhà du hành vũ trụ Barry Wilmore và Sunita Williams của Mỹ lên ISS. Giám đốc Chương trình ISS Joel Montalbano cho biết họ sẽ lưu lại 8 ngày trên trạm vũ trụ để tiến hành một loạt thử nghiệm.

Trước đó, sau nhiều lần gặp sự cố, trong đó có cả chuyến bay không thành công lên ISS vào năm 2019, Boeing đã phải thực hiện một hành trình bay thử nghiệm không chở theo người lên ISS vào tháng 5 năm nay và đã thành công. Boeing từng lên kế hoạch thực hiện vụ phóng chở theo người lên ISS trước cuối năm nay nhưng một số sự cố kỹ thuật nhỏ trong chuyến bay thử nghiệm không chở theo người hồi tháng 5 đã khiến hãng này phải điều chỉnh một số chi tiết của tàu vũ trụ.

Kể từ khi nối lại các chuyến bay đưa người lên vũ trụ từ Mỹ vào năm 2020 - tức 9 năm sau chương trình tàu con thoi kết thúc, các nhà du hành vũ trụ Mỹ được đưa lên ISS bằng tàu vũ trụ của công ty SpaceX, nhưng NASA vẫn muốn mở rộng các lựa chọn.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.