Công nghệ
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số năm 2022
UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13-4-2022 về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2022. Kế hoạch bao gồm 20 chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 7 chỉ tiêu và đang tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu còn lại.
Doanh nghiệp đang tích cực phối hợp với thành phố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Nhân viên tại Công ty TNHH Phần mềm FPT miền Trung đang làm việc. Ảnh: MINH LÊ |
Tăng tốc chuyển đổi số
Kế hoạch số 76/KH-UBND đặt ra 7 chỉ tiêu chính quyền số, 5 chỉ tiêu kinh tế số và 8 chỉ tiêu xã hội số. Theo đó, 7 chỉ tiêu thành phố đã hoàn thành là: 100% dịch vụ hành chính công đủ điều kiện đã triển khai trực tuyến mức 4; kinh tế số năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP (vượt chỉ tiêu cuối năm 2022 là 12%); 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; cơ bản mỗi người dân trưởng thành có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã ID duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã ID duy nhất gắn với học bạ điện tử; trên 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; xây dựng 3 trung tâm dữ liệu thành phố. Đa số các chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2021.
Thành phố có 13 chỉ tiêu còn lại cần hoàn thành là: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 85%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 65%; tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức 3,4 đạt 30%; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trực tuyến; 50% tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở; tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chiếm 8,7% trong GRDP; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% trong nền kinh tế; gần 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh; phủ sóng 20% dịch vụ 5G; 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí trực tuyến không dùng tiền mặt; 100% trường học triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt và tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động chiếm 4,5%. Trong các chỉ tiêu trên, chỉ tiêu có khả năng về đích đúng hạn là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; tỷ trọng công nghiệp ICT trong GRDP; tỷ lệ người dân từ 15 trở lên có điện thoại thông minh.
Một trong những chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2022 là tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động chiếm 4,5%. TRONG ẢNH: Nhân viên tại Công ty CP ST Software đang làm việc. Ảnh: MINH LÊ |
Thực hiện các giải pháp
Để hoàn thành các kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đang tăng cường giải pháp chuyển đổi số. Hiện 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết chuyển đổi số của ngành, địa phương mình trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các đơn vị đang thí điểm sử dụng dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công để người dân, doanh nghiệp không cần phải nộp lại một số thành phần giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hệ thống thông tin báo cáo và số liệu điều hành, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; triển khai cập nhật và báo cáo số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố từ năm 2019 đến nay; đồng bộ với hệ thống của Văn phòng Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Cổng Dữ liệu mở thành phố hiện có hơn 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua ứng dụng, website, tin nhắn SMS, Zalo)…
Không chỉ sở, ban, ngành, các doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp thành phố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel Đà Nẵng cho biết, từ cuối năm 2021, Tập đoàn Viettel đã khai trương dịch vụ mạng 5G và đã triển khai 11 trạm phát sóng 5G tại khu vực trung tâm thành phố; đang triển khai thêm 41 trạm tại khu vực quận Liên Chiểu; dự kiến hoàn thành năm 2022.
Bên cạnh đó, Viettel đã đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) với 208 trạm Nb-IoT/7 quận, huyện. Đây là mạng diện rộng, công suất thấp với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng, tạo điều kiện để người dân sử dụng thiết bị trực tuyến nhanh hơn. Hiện Viettel đang nghiên cứu xây dựng thêm 1 trung tâm dữ liệu trong Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Song song đó, Viettel trực tiếp tham gia tư vấn, triển khai một số dự án lớn của thành phố, sở, ban, ngành liên quan đến chuyển đổi số như: du lịch thông minh, y tế thông minh, chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt..., tham gia tư vấn tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, xã… Ngoài Viettel và trước đó là Tập đoàn FPT, UBND thành phố đang chuẩn bị ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng Công ty viễn thông Mobifone. Đây là các doanh nghiệp hàng đầu cả nước về công nghệ thông tin và truyền thông. Việc hợp tác với các doanh nghiệp giúp Đà Nẵng tăng thêm nguồn lực để phát triển các chỉ tiêu chuyển đổi số.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các nền tảng, hạ tầng số như trung tâm dữ liệu thành phố, kho dữ liệu dùng chung… Sở TT&TT đang phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện rà soát lại tất cả những chương trình, kế hoạch, nền tảng, dự án, chỉ tiêu để hoàn thành dứt điểm và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số. Ngoài ra, tổng đài và các kênh truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyển đổi số vẫn đang hoạt động hiệu quả để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tất cả đều nhằm mục tiêu đưa chuyển đổi số là động lực mới, cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố.
MINH LÊ