Công nghệ
Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản
Sáng 15-11, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo "Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản".
Hội thảo "Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành chế biến, bảo quản thủy sản" do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, đơn vị, nhà đầu tư trên địa bàn được thông tin về những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố; hiện trạng ứng dụng công nghệ trong ngành sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản; giới thiệu, tiếp cận những công nghệ tiềm năng, hỗ trợ đổi mới cho ngành thủy sản trong thời gian tới như: ứng dụng công nghệ bức xạ, công nghệ AI trong hoạt động sản xuất…
Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết, qua kết quả khảo sát, đánh giá việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hỗ trợ sản xuất.
Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ lao động trong vận hành công nghệ đa số ở mức trung bình và khá; cán bộ kỹ thuật hầu hết được đào tạo tại doanh nghiệp, các cơ sở trong nước…
Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu cần được hỗ trợ tập trung ở các hoạt động như: đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng; nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tư vấn công nghệ; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, chương trình, dự án.
Theo ông Lê Xuân Vinh, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (cơ sở Đà Nẵng), thủy sản và các sản phẩm thủy sản là một trong 5 nhóm thực phẩm được phép chiếu xạ thực phẩm tại Việt Nam.
Tính đến nay, trên thế giới có khoảng 55 quốc gia chấp nhận thực phẩm chiếu xạ; 20 quốc gia có quy định về kiểm dịch thực phẩm bằng chiếu xạ. Tại Việt Nam đang có 6 cơ sở chiếu xạ, trong đó, Trung tâm tại Đà Nẵng là đơn vị cung cấp dịch vụ duy nhất cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ứng dụng công nghệ bức xạ trong ngành thủy hải sản thủy sản sẽ giúp cho các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong vấn đề xuất khẩu, hạn chế được sinh vật gây bệnh, kéo dài thời gian bảo quản và kiểm soát, loại bỏ được động thực vật ký sinh.
Ông Trương Văn Nam, Giám đốc chi nhánh miền Trung Công ty CP Tập đoàn Iwanna Việt Nam giới thiệu về công nghệ AI trong hoạt động sản xuất, đó là việc chuyển đổi số trong sản xuất sẽ giúp tối ưu hiệu quả và giảm chi phí cho doanh nghiệp trong vận hành, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hư hại của máy móc...
VĂN HOÀNG