Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

.

Trong xu thế hội nhập kinh tế, doanh nghiệp (DN) khi tham gia sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên không ít DN chưa đánh giá đầy đủ tiềm năng của quyền SHTT trong quá trình xây dựng và phát triển DN.

Tài sản trí tuệ hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp

Công ty CP Bê-tông nhẹ Đà Nẵng (đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) thành lập năm 2013, chuyên sản xuất hỗn hợp bê-tông nhẹ thương phẩm, gồm: gạch tự chèn, bó vỉa cường độ cao, gạch không nung…

Ngày 29-11, công ty được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học công nghệ với hai dòng sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học công nghệ là gạch bê-tông và bó vỉa bê-tông tính năng cao E-Brick. Hiện, công ty tiếp tục nộp đơn đăng ký quyền SHTT với hai sản phẩm là tấm chắn rác và phương pháp sản xuất tấm chắn rác.

Ông Mai Triệu Quang, Giám đốc công ty cho biết, lợi ích đầu tiên khi đăng ký quyền SHTT đối với sản phẩm công nghiệp là được hưởng một số ưu đãi của Nhà nước về thuế thu nhập DN, giúp DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; thứ hai là giúp ích trong việc tiếp thị và nhận diện sản phẩm của DN. Theo ông Quang, nhãn hiệu chính là công cụ marketing đắc lực đối với DN; với những định vị khác biệt của nhãn hiệu sẽ giúp DN tiếp cận thị trường tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhãn hiệu còn hỗ trợ chính sách mở rộng, giúp quá trình phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Bởi một thực tế dễ nhận thấy, khi mua hàng khách sẽ cảm thấy tin tưởng hơn đối với  hàng hóa có tên gọi hay nhãn hiệu mà họ quen biết từ trước. “Đặc biệt, trong những lợi thế mà tài sản trí tuệ mang đến cho DN phải kể đến sự bảo hộ của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và pháp luật trong vấn đề hạn chế và chống lại các đối thủ cạnh tranh lấy cắp tài sản trí tuệ để làm giả nhằm lợi dụng uy tín của DN”, ông Quang thông tin.

Theo dữ liệu từ Cục SHTT, tháng 6-2022, thành phố có 3.998 văn bằng được cấp, gồm 3.801 nhãn hiệu, 67 sáng chế và giải pháp hữu ích, 130 kiểu dáng công nghiệp. Trong các tài sản trí tuệ thì kiểu dáng nhãn hiệu, công nghiệp, tên thương mại có tác động rõ nét nhất.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, trong tháng 12-2021, sở tham mưu thành phố ban hành hai văn bản quan trọng, gồm: Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 29-11-2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố Đà Nẵng quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn.

Thông qua đó, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho 6 DN và 3 tác giả sáng chế với tổng kinh phí 240 triệu đồng. Thực tế cho thấy, bảo hộ quyền SHTT là một trong những vấn đề thiết yếu của mỗi DN trước khi đưa những ý tưởng, sản phẩm ra thị trường để bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, các DN bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo hộ tài sản SHTT, tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký bảo hộ vẫn còn ít, chủ yếu là đối với nhãn hiệu, còn đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích tỷ lệ đăng ký bảo hộ còn thấp.

Theo bà Lê Thị Thục, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), nguyên nhân của tình trạng này là hầu hết các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa tập trung nhiều hơn đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, quảng cáo, bán hàng... mà chưa tập trung nhiều vào vấn đề bảo hộ tài sản SHTT...

“Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và tổ chức tư vấn về SHTT trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế; ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT của người dân và DN đã được cải thiện, tuy nhiên sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT chưa cao; tình hình xâm phạm quyền SHTT ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi hơn, trong khi các chủ thể chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Do nhiều nguyên nhân, một số chủ thể có những hành vi xâm phạm quyền SHTT, người tiêu dùng vẫn tiêu thụ các sản phẩm bị xâm phạm quyền SHTT”, bà Thục thông tin.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.