Chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) là yêu cầu bắt buộc để DN sớm thích nghi cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để DN chuyển đổi số hiệu quả, trước hết phải chú trọng tới yếu tố con người mà ở đây chính là bộ phận lãnh đạo, quản trị, quản lý.
Với việc thay đổi nhận thức, tư duy của bộ phận lãnh đạo về chuyển đổi số tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp tại địa phương. TRONG ẢNH: Chuyển đổi số mang lại hiệu quả trong sản xuất của Công ty CP Đầu tư An Thịnh Phát (Khu công nghiệp Đà Nẵng). Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Thay đổi tư duy từ lãnh đạo
Tại Đà Nẵng có nhiều DN đang là điểm sáng trong chuyển đổi số, lan tỏa đến cộng đồng DN. Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu công nghiệp Hòa Cầm) cho hay, DN của ông hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị phục vụ công nghiệp. Trước đây, DN chủ yếu quản lý những hồ sơ, số liệu, thông tin khách hàng và nhân viên trên sổ sách, thông tin sản phẩm... và cũng đã nhập liệu vào các ứng dụng có sẵn trên máy tính như Microsoft Office sau đó lưu vào ổ cứng máy tính hoặc USB, thẻ nhớ, đĩa mềm. Điều này mang lại nhiều rủi ro, sai số nếu những dữ liệu đó không được bảo quản kỹ cũng như thiếu tính chuyên biệt phù hợp với từng nhiệm vụ công việc.
Từ khi biết đến những ứng dụng, chương trình mới giúp quản lý, sao lưu dữ liệu, vận hành hệ thống qua dữ liệu đám mây, blockchain… thì DN nhanh chóng lập dự án mua về để áp dụng vào công tác quản lý, sản xuất. Tuy nhiên vẫn gặp nhiều nghi hoặc từ phía tập thể lãnh đạo DN về tính khả thi. Thế nhưng, sau thời gian triển khai đã chứng minh thành công từ việc chuyển đổi số hiệu quả khi số lượng doanh thu, tiến độ hoàn thành các hạng mục đã tốt hơn trước.
Ông Nguyễn Hồng An, Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Thịnh Phát chia sẻ, để vận động được đội ngũ quản trị thực hiện quá trình chuyển đổi số là rất khó khăn khi những ý kiến, quan niệm về kinh doanh truyền thống đã ăn sâu vào mặt nhận thức. Song, ông đã tác động với đội ngũ quản trị bằng những kết quả tích cực từ việc áp dụng chuyển đổi số ở phạm vi nhỏ, sau đó dần mở rộng ra toàn bộ DN.
Năm 2022 khi thực hiện chuyển đổi số, lượng đơn hàng DN nhận được tăng 17% so với năm 2021. “Trước kia, DN chỉ sử dụng các công cụ thủ công và phần mềm công nghệ thông tin cơ bản, lạc hậu đơn thuần, không đủ năng lực, sự linh động để hoạt động hiệu quả. Từ khi DN áp dụng các ứng dụng, dữ liệu trong chuyển đổi số Big Data, AI, IOT, Cloud Computing, Blockchain,... giúp gia tăng tốc độ xử lý hàng triệu dữ liệu đơn hàng trong sản xuất, xuất khẩu một lúc chỉ bằng một phần mềm được quản lý trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điều này giúp DN rất nhiều trong công tác quản lý xuất, nhập; bảo quản, nâng cao tính bảo mật của DN qua các phần mềm, ứng dụng chuyên biệt”, ông An nói.
Lãnh đạo giữ vai trò tiên phong
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, người lãnh đạo đứng đầu của những DN cần biết “truyền lửa” đến tất cả nhân viên, người lao động nhằm giúp họ hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cũng phải là người đầu tiên tuyệt đối tuân thủ quy trình chuyển đổi số để làm gương. Khi bản thân người đứng đầu hiểu và lên được lộ trình chuyển đổi số, các công đoạn được tính toán chi tiết về thời hạn, tiến độ thì sẽ không còn cảm giác “sợ” chuyển đổi số nữa.
“Mọi người vẫn nói muốn làm chuyển đổi số thì phải có kiến thức, hiểu sâu về công nghệ thông tin, viễn thông… Thực chất, để chuyển đổi số được phải từ tư duy lãnh đạo có muốn chuyển đổi số hay không. Người lãnh đạo phải hiểu được vai trò, quan trọng của chuyển đổi số. Họ không cần có kiến thức quá sâu về lĩnh vực này mà phải có tư duy về phá bỏ cái cũ để tạo dựng thứ mới mẻ, vững chắc. Nếu người lãnh đạo không dám thay đổi, không muốn thay đổi thì không ai trong DN muốn thay đổi”, ông Quảng nói thêm.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho rằng, hiện nay, có 3 thách thức mang tính mấu chốt trong chuyển đổi số, đó là: con người; kinh phí đầu tư hạn hẹp, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ; chưa định hình được chiến lược, hướng đi, đích đến trong chuyển đổi số. Trong đó, yếu tố con người, xét ở hai khía cạnh gồm nhận thức và nguồn lực.
Theo ông Thạch, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi, thay đổi về nhận thức, quan điểm từ người đứng đầu, tập thể lãnh đạo; tiếp đến là phải lan tỏa cảm hứng, quyết tâm đến các thành viên trong tập thể đơn vị. Chiến lược chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ mà còn phụ thuộc vào con người, sự tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện và văn hóa của đơn vị, DN. Những ưu điểm và lợi ích từ chuyển đổi số mang lại là rất lớn, bằng việc đưa công nghệ hiện đại vào các quy trình hoạt động, kinh doanh truyền thống có thể giúp các đơn vị, DN thay đổi phương thức điều hành, cách thức làm việc và văn hóa nội bộ.
Chỉ riêng với Big Data, các DN đã có thể tối ưu về thời gian, tài nguyên, độ phủ địa lý để đánh giá được tiềm năng khách hàng, nguy cơ khách hàng rời bỏ hệ thống hoặc nguy cơ hệ thống không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Song không phải đơn vị, DN nào cũng sẵn sàng “phá bỏ” cái cũ để xây dựng nền tảng mới khi thói quen trong làm việc, sản xuất, kinh doanh đã hình thành từ nhiều năm. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với những rào cản về kỹ thuật, chi phí tài chính trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi có sự đầu tư chỉn chu và lâu dài cả về chất xám và nguồn vốn.
CHIẾN THẮNG