Công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khu vực nông thôn

13:05, 31/01/2023 (GMT+7)

Người dân các xã của huyện Hòa Vang đã không còn xa lạ với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Nhiều người sống tại các khu vực nông thôn ở huyện Hòa Vang hiện nay đã ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống, công việc. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Nhiều người sống tại các khu vực nông thôn ở huyện Hòa Vang hiện nay đã ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống, công việc. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Hình thành thói quen sử dụng công nghệ

Chị Hoàng Thị Bình, chủ siêu thị mini (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) chia sẻ, cửa hàng của chị vừa mới sắm những trang, thiết bị phục vụ cho việc bán hàng thuận tiện, tra cứu sản phẩm dễ dàng hơn như: máy quét mã vạch, camera wifi, máy tính, máy in phiếu thanh toán... cùng với phần mềm quản lý bán hàng. Việc thanh toán và quản lý hiện đại đã giúp lượng khách tới mua hàng ngày càng đông hơn.

“Doanh thu của tôi những tháng gần đây tăng 1,5-2 lần so với trước, nhiều khách hàng cũng đánh giá tốt về các dịch vụ”, chị Bình nói thêm. Đối với nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, điều này tạo nên những thay đổi tích cực khi vừa giảm nhân lực lao động, vừa giúp việc quản lý công việc hiệu quả hơn.

Qua tìm hiểu, nhiều người dân sống ở những khu vực nông thôn trước đây chưa có điều kiện làm quen với những thiết bị, ứng dụng số thì nay đã dần quen và ưu tiên ứng dụng  trong nhiều lĩnh vực. Là thành viên thuộc Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu), ông Trần Quốc Dũng cho hay, vườn hoa dạ yến thảo của ông có quy mô gần 2.000m2 với nhiều chủng loại và màu sắc như: đỏ tía, hoa cà, hồng, đỏ, trắng... đang thực hiện theo mô hình tự động hóa quản lý qua ứng dụng di động. Việc áp dụng các hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm giúp giảm chi phí lao động 20-30%; đồng thời tăng năng suất, chất lượng hoa 10-15% so với áp dụng tưới thông thường. Từ đó, giảm chi phí sản xuất 20-25% so với phương pháp tưới truyền thống.

“Qua những trang mạng hoặc cửa hàng thương mại điện tử, tôi có thể tự chọn được những sản phẩm tốt và đa dạng theo ý mình từ những nguồn bán hàng uy tín, chất lượng mà không cần lặn lội đi xa như trước kia. Tôi cũng có thể tự truyền thông, quảng bá hoa trên những trang mạng xã hội với điện thoại di động có kết nối internet. Từ điện thoại tôi có thể kiểm soát, quản lý hiệu quả công tác chăm, bón của vườn hoa. Chưa bao giờ tôi thấy những công việc làm nông trở nên nhàn nhã đến vậy”, ông Dũng bộc bạch.

Thúc đẩy hệ thống hạ tầng, kỹ thuật

Nhằm thúc đẩy hạ tầng công nghệ thông tin khu vực nông thôn và miền núi, ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng, Trưởng đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam khu vực Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) cho hay, doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026 với huyện Hòa Vang vào tháng 4-2022. Trong đó, VNPT Đà Nẵng tập trung đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ hiện đại, liên thông, an toàn, đáp ứng phục vụ phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh... Trước mắt, VNPT Đà Nẵng phủ sóng 4G/5G đến tất cả các địa điểm đông dân cư, điểm du lịch như: di tích lịch sử, văn hóa hay các vùng thường xuyên có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, cháy rừng, đặc biệt là trên cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua huyện Hòa Vang. VNPT cam kết phủ 100% internet băng rộng đến toàn bộ 11 xã của huyện Hòa Vang.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang nhận định, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay chính là động lực mới để tạo nên bước đột phá trong phát triển địa phương. Vì vậy, chính quyền huyện sớm triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin và đã sử dụng công nghệ số, dữ liệu số theo hướng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực từ thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19. Đồng thời, hợp tác thực hiện chuyển đổi số với các đơn vị, doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ, viễn thông như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT... để tập trung đầu tư, lấy 5 nội dung chính làm tiền đề xây dựng và phát triển như: hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu và nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng chuyển đổi số. Từ năm 2021 tới nay, huyện tập huấn về chuyển đổi số nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và tư duy cho cán bộ và nhân dân, qua đó đã đạt được mục tiêu ban đầu. Người dân bắt đầu hình thành thói quen trong việc tiếp cận, sử dụng những dịch vụ, sản phẩm công nghệ như: thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng kết nối không dây để điều hành, điều khiển sản xuất nông nghiệp,... đó là những hiệu quả của việc áp dụng chuyển đổi số trong thời gian qua.

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh Văn phòng Chuyển đổi số thành phố, sau hơn 1 năm triển khai, đề án Chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có  người dân sống tại khu vực nông thôn. Quá trình đô thị hóa nhanh giúp người dân vùng nông thôn hình thành thói quen ứng dụng nền tảng số và công nghệ thông tin. Điển hình nhất là trong thời điểm Covid-19, các ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch bệnh như giấy đi đường QR Code, sổ tay sức khỏe... và các dịch vụ hành chính công trực tuyến được đại bộ phận người dân sống tại các khu vực nông thôn sử dụng và hưởng ứng. Để có được kết quả trên là nhờ hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã vào cuộc hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thời tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số của thành phố.

CHIẾN THẮNG

.