Công nghệ
Những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, phát huy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ với nhiều ý tưởng, đề tài có tính khả thi cao.
Nguyễn Mạnh Cường (bên trái) và nhóm nghiên cứu mạnh dạn thành lập Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện STC Electric để phát triển sản phẩm cung ứng ra thị trường. Ảnh: N.Q |
Vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998) và nhóm nghiên cứu mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần sản xuất thiết bị điện STC Electric (phường An Khê, quận Thanh Khê). Hơn 4 triệu đồng là số tiền mà nhóm bạn trẻ này gom góp để phát triển và thương mại hóa sản phẩm “Thiết bị Relay an toàn cho phao bơm và máy bơm nước”. Đây là sản phẩm được nhóm các bạn trẻ tìm tòi nghiên cứu từ thời còn sinh viên với công năng chuyển đổi nguồn điện 220V thành 12V loại trừ nguy cơ rò điện, điện giật, chập điện gây cháy nổ do sử dụng dây dẫn trực tiếp giúp an toàn cho người dùng.
Sau hơn 1 năm khởi nghiệp (từ tháng 10-2021), hiện sản phẩm của nhóm có mặt tại hơn 160 đại lý tại 36 địa phương trên toàn quốc, được bán trên các trang thương mại điện tử, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng /tháng.
Chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp, Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Công ty thành lập ngay thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho nhóm chúng tôi. Lô hàng đầu tiên, chúng tôi chỉ sản xuất 30 sản phẩm và rao bán trên các nhóm facebook, zalo liên quan đến ngành xây dựng, điện nước. Sau thời gian, sản phẩm dần khẳng định chất lượng với khách hàng. Đến nay một lô hàng sản xuất của chúng tôi có 5.000 sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp chính là vốn. Bởi nếu có vốn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc sản xuất số lượng sản phẩm lên 10.000 và còn hơn thế nữa. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên: Lê Viết Hưng, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Thành Hiệp, Phan Ngọc Phùng (Khoa Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Đại học Đông Á) nghiên cứu sản phẩm sử dụng thiết bị không người lái (drone) để cứu người đuối nước. Ý tưởng để thực hiện sản phẩm xuất phát từ thực trạng tai nạn đuối nước phổ biến và đáng báo động ở Việt Nam, nhóm mong muốn có thể rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường vụ tai nạn để tăng khả năng sống sót của các nạn nhân.
Theo Lê Viết Hưng (SN 2001), chi phí cho toàn bộ quá quá trình nghiên cứu là hơn 50 triệu đồng. “May mắn là nhóm có sự hỗ trợ và đồng hành của một doanh nghiệp đầu tư drone để nhóm nghiên cứu nên chỉ tốn khoản chi phí tu sửa khi hỏng hóc vào khoảng 8-10 triệu đồng. So với các drone đã có trên thị trường, sản phẩm này có điểm mới là được nâng cấp với mục đích tăng thời gian hoạt động, tăng trọng tải, đồng thời có thiết bị truyền động để vận chuyển, thả phao”, Hưng cho biết.
Hưng cho biết thêm, sản phẩm có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác như: phòng cháy, chữa cháy, nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu) hoặc sửa chữa kỹ thuật (kiểm tra các đường dây điện cao thế). Thời gian đến, nhóm ấp ủ ý tưởng xây dựng các trạm cứu hộ đặt drone trong toàn thành phố. Sau khi cải thiện, nâng cấp sản phẩm và xây dựng một phần mềm cứu hộ, trạm cứu hộ sẽ cho phép những người sử dụng phần mềm khi gặp các tai nạn đuối nước, gọi thiết bị đến ứng cứu kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Hoàng Văn Bản, thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ. Sở đã triển khai hỗ trợ 63 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hỗ trợ 22 lượt doanh nghiệp với kinh phí gần 4 tỷ đồng để phát triển sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai công tác hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ theo các chính sách được HĐND, UBND thành phố ban hành năm 2021.
NGUYỄN QUANG