Ngày 13-2, Nga thông báo lùi thời điểm phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 làm nhiệm vụ cứu hộ trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đến tháng 3 tới. Dự kiến tàu vũ trụ Soyuz MS-23 sẽ đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất sau khi tàu vũ trụ Soyuz MS-22 kết nối với ISS gặp tình huống khẩn cấp liên quan đến sự cố rò rỉ chất làm mát.
Tên lửa đẩy Soyuz 2.1B của Nga mang theo vệ tinh cảm biến từ xa Khayyam của Iran rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan), ngày 9-8-2022. Ảnh minh họa (tư liệu): AFP/TTXVN |
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos), việc lùi thời điểm phóng tàu Soyuz MS-23 sẽ không đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia.
Trước đó, tháng 9-2022, Soyuz MS-22 mang theo 2 phi hành gia người Nga là Dmitry Petelin và Sergei Prokopyev, cùng phi hành gia Frank Rubio của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng lên ISS từ sân bay vũ trụ Baikonur, do Nga vận hành ở Kazakhstan. Tuy nhiên, vào giữa tháng 12, tàu Soyuz MS-22 bắt đầu bị rò rỉ chất làm mát. Giới chức hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga cho rằng sự cố này do một thiên thạch nhỏ gây ra.
Đầu tháng 1-2023, Nga thông báo sẽ phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 không chở người lên ISS vào ngày 20-2 để đưa 3 phi hành gia trên trở về Trái Đất. Cuối tuần trước, Roscosmos cho biết tàu vũ trụ Progress MS-21, đang trên ISS cũng đã bị rò rỉ chất làm mát từ hệ thống kiểm soát nhiệt. Hiện cơ quan này đang điều tra nguyên nhân của vụ việc.
Theo Roscosmos, việc phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 sẽ bị hoãn cho tới khi nguyên nhân của tình trạng khẩn cấp trên được xác định.
Theo Báo Tin tức