Công nghệ
Kỹ sư công nghệ, lập trình viên lương cao nhưng dễ bị đào thải
Nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) sau khi tốt nghiệp ra trường, có năng lực tốt hoặc kinh nghiệm có thể nhận được mức thu nhập khởi điểm rất cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực CNTT nếu nguồn nhân lực không chịu được áp lực lớn, cường độ làm việc cao và liên tục đổi mới sẽ dễ bị đào thải.
Lao động ngành công nghệ mang lại mức lương rất cao so với các ngành nghề khác nhưng cũng sẽ có nhiều rủi ro, trong đó có cả việc bị đào thải nếu không thể đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: C.T |
Sau 4 năm tốt nghiệp ngành CNTT, Trường Đại học Duy Tân, anh Phan Viết Nhân (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), đang nhận mức lương hơn 34 triệu đồng/tháng tại chi nhánh một công ty có trụ tại phường Vĩnh Trung, quận Hải Châu.
Đây là mức lương rất cao so với các ngành nghề, công việc khác. Để đạt được mức lương đáng mơ ước như vậy, anh đã phải nỗ lực rất nhiều từ những năm học cấp 3 khi tự tìm hiểu những thông tin, kiến thức về lĩnh vực CNTT. Cũng vừa tốt nghiệp cách đây 1 năm tại Trường Đại học FPT, anh Nguyễn Hải Bằng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) hưởng mức lương gần 18 triệu đồng/tháng cho công việc kỹ sư phần mềm.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Văn phòng Đại diện Công ty CP Phần mềm Bravo tại Đà Nẵng (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho rằng, với những sinh viên ưu tú, có kinh nghiệm và kỹ năng tốt trong ngành CNTT có mức lương cao không phải là điều hiếm gặp, nhiều sinh viên ra trường nếu chứng tỏ năng lực có thể nhận được mức lương 15-30 triệu đồng/tháng sau năm đầu tiên.
Ông Trương Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mediastep Software - chi nhánh Đà Nẵng (phường Vĩnh Trung, quận Hải Châu) chia sẻ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp. Điều này tạo thách thức lớn cho những doanh nghiệp cung ứng phần mềm, dịch vụ khi phải luôn cố gắng nâng cấp, cải tiến sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
“Nếu không chấp nhận nâng cao, đổi mới sản phẩm thì chúng tôi sẽ bị lạc hậu, mất đi vị thế trên thị trường. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực của chúng tôi phải thực sự giỏi, sáng tạo, luôn phải học tập và tiếp thu sự thay đổi. Chúng tôi chấp nhận trả lương cao cho những người làm tốt và đương nhiên sẽ sa thải những người không đáp ứng yêu cầu, điều này vừa để phát triển và cũng là sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay chú trọng chất lượng nhân lực thay vì số lượng như trước. Ông Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc nguồn lực Công ty TNHH Phần mềm FPT cho biết, năm 2021, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 1.500 nhân lực CNTT với 50% là nhân sự có kinh nghiệm và 50% là sinh viên mới ra trường. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong 2-3 năm tới, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 300-400 nhân lực ngành này mỗi năm.
“Số lượng tuyển dụng này cũng tỷ lệ thuận với lượng nhân viên bị đào thải vì không đạt được yêu cầu, không nắm được công việc, nhiệm vụ. Nguồn nhân lực của công ty chúng tôi đang dần được bão hòa, bộ máy bây giờ hướng đến sự tối ưu nên bây giờ ưu tiên tuyển những người có năng lực hơn là những sinh viên vừa ra trường, chỉ có kiến thức nhưng không giỏi thực hành”, ông Lĩnh cho biết.
Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng nhận định, về nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí CNTT, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt ở các vị trí, lĩnh vực như: phát triển ứng dụng và công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây...
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đang dần hướng tới yêu cầu mới về nhân lực, chấp nhận lọc nhân sự để tìm kiếm chỗ trống cho nguồn lao động mới có chất lượng cao hơn đã diễn ra ở nhiều nơi. Điều này đòi hỏi những nhân lực trẻ phải cố gắng phát huy những ưu điểm, lao động thâm niên cũng phải học hỏi, tiếp thu các kiến thức mới nhằm không bị “đào thải” trong bối cảnh bão hòa của ngành CNTT.
CHIẾN THẮNG