Công nghệ
Hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ
Sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là hành lang pháp lý trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tạo thế độc quyền, nâng cao giá trị sản phẩm, định vị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) cho hay, “van thủy lợi” là sản phẩm nghiên cứu đầu tiên của công ty được hỗ trợ đăng ký và cấp quyền SHTT. Trong quá trình phát triển, từ các ý tưởng, giải pháp công nghệ, doanh nghiệp đã ứng dụng, chế tạo ra nhiều sản phẩm, máy móc, thiết bị mới, hiện đại có tính khác biệt; đồng thời, đạt được hiệu quả tối ưu, bảo đảm chất lượng với giá thành phù hợp, phục vụ sản xuất. Năm 2020, công ty đăng ký giải pháp hữu ích “Phương pháp chế tạo trục thép chịu lực uốn và lực xoắn lớn” và được Cục SHTT cấp vào tháng 3-2022. Một số thiết bị chế tạo theo giải pháp, công nghệ mới này đã tạo được “tiếng vang” tại một số cuộc thi uy tín trong nước. Mới nhất, vào đầu năm 2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho công ty với thành tích giải Nhất giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16, năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty còn đăng ký SHTT cho giải pháp hữu ích về nguyên lý chế tạo máy khác biệt và đang đợi xét duyệt. Theo ông Hà Giang, các sáng kiến đổi mới công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp nên cần được bảo vệ độc quyền. Việc doanh nghiệp sở hữu sáng kiến độc quyền được công nhận, bảo hộ là điều kiện, cơ hội phát triển và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tại địa phương và Chính phủ.
Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao để xử lý phế phẩm hữu cơ làm nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm và các sản phẩm khử độc, khử khuẩn, bảo vệ sức khỏe con người. Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc công ty cho biết, từ khi thành lập, doanh nghiệp luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm, sáng chế. Tháng 10-2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho công ty đăng ký bảo hộ quyền SHTT với sáng chế “Chế phẩm sinh học đa dụng Minh Hồng” và được Cục SHTT cấp vào tháng 3-2018.
Từ công nghệ trên, mỗi tháng, công ty góp phần xử lý 109 tấn rác hữu cơ thực vật và tạo việc làm tại nhà cho 140 lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với thu nhập 3-5 triệu đồng/người. Đến nay, các sản phẩm được phân phối khắp 63 tỉnh, thành phố qua công ty phân phối và hơn 200 đại lý. Năm 2020, công ty tiếp tục đăng ký sở hữu trí tuệ với “chế phẩm thảo dược công nghệ cao Lovemom” và nhận được chứng nhận quyền SHTT trong năm 2022. Đây là chế phẩm được nghiên cứu từ cơm thừa và thảo dược có tính năng kháng khuẩn, làm sạch và làm đẹp.
“Từ niềm đam mê nghiên cứu, tôi đã sở hữu hai sáng chế công nghệ được Cục SHTT chứng nhận. Các công nghệ này có đặc tính riêng, tạo ra những sản phẩm an toàn và khác biệt trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng. Thời gian đến, tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm an toàn từ các công nghệ trên”, bà Hồng chia sẻ.
Theo dữ liệu của Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng, trong năm 2022, đơn vị tiếp nhận 1.849 hồ sơ. Riêng tại Đà Nẵng có 633 doanh nghiệp, cá nhân nộp hồ sơ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ; trong đó, 22 hồ sơ liên quan đến sáng chế/giải pháp hữu ích, 12 hồ sơ về kiểu dáng công nghiệp và 599 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Trong quý 1-2023, Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên tiếp nhận 243 hồ sơ. Bà Nguyễn Thị Thúy, phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng thông tin, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình. Mặc dù, so với 2 miền Bắc và Nam, khu vực miền Trung vẫn là “vùng trũng” về SHTT nhưng những năm gần đây, ý thức về việc đăng ký bảo vệ tài sản trí tuệ của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ đang dần được nâng cao. Đa số các nhà khoa học, doanh nghiệp khi thành lập đều có ý thức về việc bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như nhận biết những rủi ro tiềm ẩn khi không đăng ký bảo hộ.
Theo bà Thúy, quy trình, thủ tục đăng ký SHTT được Cục SHTT xây dựng theo hướng đơn giản hóa, thân thiện, dễ dàng với người nộp đơn. “Việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp là việc cần thiết, quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, đem lại lợi ích hợp pháp cho người nộp đơn, ngăn cản đối tượng xấu xâm phạm tài sản trí tuệ của mình. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trong việc đăng ký và không vi phạm quyền SHTT”, bà Thúy thông tin thêm.
THIÊN NGUYỆN